Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio - Ảnh: REUTERS
"Tôi nguyện dốc hết sức lực và tâm trí để giành phần thắng trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới", Hãng tin AP dẫn lời ông Kishida nói, cho rằng việc đánh bại "kẻ thù vô hình" này khó khăn hơn dự kiến.
Thủ tướng Nhật Bản đưa ra cam kết thúc đẩy việc tiêm liều bổ sung cho người dân, rút ngắn thời gian tiêm bổ sung kể từ tháng 3-2021, củng cố hệ thống y tế, đẩy mạnh việc điều trị bệnh tại nhà... Hiện có chưa đến 1% người dân Nhật Bản đã tiêm liều bổ sung, thấp hơn nhiều so với 53% tại Anh và 24% tại Mỹ, theo dữ liệu của Our World in Data.
Trong phát biểu chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng 2 vật thể nghi là tên lửa ra phía đông bán đảo Triều Tiên, ông Kishida cũng cam kết "bảo vệ sinh mạng và cuộc sống của người dân". Ông cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét lại chính sách quốc phòng, trong đó cân nhắc phát triển năng lực tấn công phủ đầu.
Cũng phát biểu tại sự kiện, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi cho biết ưu tiên của Tokyo gồm tăng cường liên minh Nhật - Mỹ, nâng cấp năng lực phòng thủ nhằm đảm bảo hòa bình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Liên minh Nhật Bản - Mỹ là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Hayashi nói.
Ông Kishida dự kiến gặp trực tuyến Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 21-1. Cả hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ bàn về việc củng cố quan hệ song phương.
Để hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh nỗ lực thông qua việc phối hợp với các đồng minh và các đối tác, bao gồm Úc, Ấn Độ, các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước châu Âu.
Ngoại trưởng Nhật Bản chỉ trích việc Trung Quốc "đơn phương thay đổi" hiện trạng Biển Hoa Đông và cho biết Tokyo sẽ có "cách tiếp cận bình tĩnh và kiên quyết" về vấn đề này.
Về Triều Tiên, Nhật Bản thúc đẩy giải pháp cho các vấn đề như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, việc công dân Nhật Bản bị bắt cóc trước đây.