Đây là nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường an ninh kinh tế trước sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc. Sáng kiến này sẽ do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cùng các công ty truyền thông hàng đầu trong nước dẫn dắt. Ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông NTT Docomo, Rakuten Mobile và NEC dự kiến sẽ được đưa vào danh sách thực hiện kế hoạch.
Thông thường, thiết bị trạm gốc sẽ được cung cấp bởi một nhà sản xuất thiết bị duy nhất. Chỉ có một số ít công ty dẫn đầu lĩnh vực này và phần lớn thị trường toàn cầu hiện do Huawei Technologies, Ericsson và Nokia kiểm soát. Cho đến nay, có rất ít chỗ cho các công ty Nhật Bản cạnh tranh vì các trạm gốc hiện tại đã được tích hợp thông số kỹ thuật của nhà sản xuất.
Nhật Bản tin rằng Open RAN sẽ giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước trước đối thủ Trung Quốc
chụp màn hình Nikkei/AP và KDDI/Jiji |
Open RAN (mạng truy cập vô tuyến mở) là sự hợp tác giữa các nhà sản xuất thiết bị và các công ty viễn thông trong nhiều nhóm làm việc khác nhau để giải quyết vấn đề về khả năng tương tác, bằng cách tạo ra các tiêu chuẩn chung. Cơ quan quản lý Nhật Bản tin rằng Open RAN sẽ giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước trước đối thủ Trung Quốc.
Chính phủ Nhật Bản đang chỉ định khu trung tâm nghiên cứu Yokosuka Research Park (YRP) ở tỉnh Kanagawa gần thủ đo Tokyo làm khu vực thí nghiệm để Docomo và Rakuten tiến hành các cuộc thử nghiệm mạng 5G Open RAN. Hai công ty sẽ đánh giá khả năng kết nối và bảo mật của các trạm gốc do những nhóm khác nhau phát triển. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, bốn hãng viễn thông hàng đầu trong nước sẽ sẵn sàng triển khai các trạm gốc 5G trên toàn quốc vào tháng 4.2024.
Theo Nikkei, đang có mối quan tâm ngày càng tăng về an ninh cơ sở hạ tầng truyền thông giữa các nước. Trước lo ngại về khả năng rò rỉ dữ liệu cho Trung Quốc, Mỹ đã cảnh giác với các thiết bị do Trung Quốc sản xuất nói chung và trừng phạt hãng viễn thông Huawei Technologies. Nhà cung cấp viễn thông Deutsche Telekom của Đức và Orange của Pháp đang dẫn đầu trong thực hiện Open RAN ở châu Âu, nhưng các công ty Trung Quốc cũng không ngừng nỗ lực để có được vị thế đó.
Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác với Mỹ và các nước còn lại trong Bộ tứ Kim cương (Quad). Hai bên đã cam kết đẩy nhanh Open RAN trong một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật hồi tháng 4.2021, và hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Quad vào tháng 9.2021, bao gồm Úc và Ấn Độ tham gia.
Nhật Bản cũng thúc đẩy hợp tác với các nhà sản xuất viễn thông phương Tây. Docomo, Rakuten Mobile, NEC, Fujitsu và các công ty khác của nước này đang chuẩn bị hồ sơ xin cấp thông số kỹ thuật cho Liên minh O-RAN, tổ chức quốc tế thúc đẩy Open RAN gồm nhiều công ty viễn thông và trường đại học nghiên cứu ở châu Âu, Mỹ.