Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, siêu máy tính này được đặt tại Đại học Tohoku và Đại học Osaka, có thể đưa ra cảnh báo nguy cơ sóng thần trong phạm vi 13.000 km bờ biển của Nhật Bản trong vòng khoảng 20 - 30 phút sau khi xảy ra động đất và ngay lập tức thông báo tới các cơ quan chức năng của nước này.
Khi xảy ra động đất, siêu máy tính sẽ dựa trên các dữ liệu do Cơ quan Khí tượng và Viện Địa lý Nhật Bản cung cấp về tình hình đô thị hóa, địa hình, biến động địa chất, quy mô trận động đất để đánh giá nguy cơ xảy ra sóng thần, theo đó ước tính độ sâu, phạm vi ngập nước, số lượng các tòa nhà bị cuốn trôi trong phạm vi 30 m2.
Hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ sóng thần của Nhật Bản đã chính thức hoạt động từ năm 2018 với phạm vi cảnh báo trong khoảng 6.000 km bờ biển từ tỉnh Kagoshima đến tỉnh Shizuoku của Nhật Bản. Năm 2020, phạm vi cảnh báo tăng lên 8.000 km, kéo dài tới tỉnh Ibaraki. Kể từ tháng 4/2021, hệ thống này sẽ bắt đầu ứng dụng các siêu máy tính thế hệ mới có khả năng xử lý lượng thông tin gấp 4 lần và phạm vi cảnh báo tăng gấp 1,6 lần. Trong tương lai, phạm vi cảnh báo có thể mở rộng ra toàn bộ bờ biển Nhật Bản.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu khác thuộc Công ty Fujitsu và Đại học Tokyo cũng đang phát triển hệ thống sử dụng AI để đưa ra cảnh báo sớm nguy cơ sóng thần tại các địa phương giáp biển trong vòng vài giây sau khi cảnh báo động đất được đưa ra. Hệ thống này có thể sử dụng các máy tính thương mại thông thường và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động trong 2 năm tới.
Trong trận động đất kèm theo sóng thần tại phía Đông Nhật Bản năm 2011, hệ thống giao thông, liên lạc bị gián đoạn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh giá mức độ thiệt hại và triển khai cứu hộ cứu nạn. Hệ thống cảnh báo sử dụng các siêu máy tính thế hệ mới và AI được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan chức năng của Nhật Bản kịp thời triển khai cứu trợ cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần trong tương lai.