Nhật Bản hợp tác với Phần Lan phát triển 6G

3 năm trước 298
Theo Nikkei, các nhóm công nghiệp của Nhật Bản và Phần Lan sẽ tiến hành nghiên cứu, phát triển chung công nghệ truyền thông thế hệ thứ sáu. Động thái này nhằm mục đích vươn lên dẫn đầu để tạo ra tiêu chuẩn 6G trong một lĩnh vực ngày càng bị ảnh hưởng bởi các công ty Trung Quốc.
Nhà cung cấp viễn thông Phần Lan Nokia sẽ tham gia vào nỗ lực trên. Tổ chức Thúc đẩy Ngoài 5G (Beyond 5G Promotion Consortium) của Nhật Bản cũng sẽ sớm ký thỏa thuận với tập đoàn 6G Flagship của Phần Lan. Thỏa thuận dự kiến sẽ được công bố vào ngày 8.6 tại Hội nghị thượng đỉnh kỹ thuật số toàn cầu 2021, sự kiện do Nikkei và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tổ chức.
Beyond 5G Promotion Consortium là tổ chức có mục đích thương mại hóa công nghệ 6G vào những năm 2030, với các thành viên bao gồm Đại học Tokyo, các công ty viễn thông lớn của Nhật Bản như Nippon Telegraph & Telephone, NTT Docomo, KDDI, SoftBank Corp và Rakuten Mobile. Trong khi đó, 6G Flagship được dẫn dắt bởi Đại học Oulu của Phần Lan.

Theo gương Mỹ và Anh, Thụy Điển cấm Huawei phát triển mạng 5G

Sáng kiến mới tuân theo cam kết trị giá 4,5 tỉ USD của Nhật Bản và Mỹ được công bố hồi cuối tháng 4.2021 đối với sự phát triển của công nghệ truyền thông thế hệ tiếp theo. Quyết định mở rộng hợp tác sang "các nước thứ ba" để thúc đẩy kết nối an toàn được cho là sẽ giúp ích trong cuộc cạnh tranh thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu với Trung Quốc. Các thành viên của Beyond 5G Promotion Consortium sẽ tham gia vào các dự án nghiên cứu chung và trao đổi nhân sự. Nhóm đang đàm phán để hợp tác trong tương lai với đối tác Mỹ bao gồm nhà cung cấp viễn thông Cisco Systems và nhà sản xuất chip Intel.
Cũng theo Nikkei, cổ phần của bằng sáng chế 5G do các nhà phát triển Nhật Bản sở hữu đã bị tụt lại phía sau Samsung Electronics của Hàn Quốc và Qualcomm của Mỹ. NTT Docomo nắm giữ khoảng 6% bằng sáng chế 5G, thấp hơn so với khoảng 10% của Qualcomm và Huawei Technologies. Với bước hành động mới, Nhật Bản mong muốn sẽ sở hữu ít nhất 10% cổ phần trong các bằng sáng chế 6G, cùng với 30% trở lên trong thiết bị và phần mềm.
Nguồn bài viết