Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều tỉnh Bắc Giang

3 năm trước 280

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản vừa cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Vải thiều huyện Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

“Việc Nhật Bản cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Bắc Giang là một tin vui cho bà con nông dân. Điều đó khẳng định chất lượng vải thiều huyện Lục Ngạn đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, chắc chắn sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả vải thiều không những tại Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe khác trên thế giới”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2020, tỉnh Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản với tổng sản lượng khoảng 200 tấn.

Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều tỉnh Bắc Giang - ảnh 1Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang được Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Ông Đặng Văn Tặng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm 2020, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 15.300 ha vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng 1000 ha so với năm 2019 và 298 ha GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về nông nghiệp) tăng 40 ha đối với năm 2019.

“Năm nay, đối với thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang tiếp tục sản xuất 19 mã số vùng trồng đã được cấp năm 2020; đồng thời rà soát để đề nghị cấp thêm 11 mã số vùng trồng, nâng tổng diện tích vùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 219 ha, ước sản lượng khoảng 1.500 tấn”, ông Tăng cho hay.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết thêm, hiện vải thiều ở huyện này đã nở hoa được 95% diện tích. Đến thời điểm nay, thời tiết thuận lợi cho vải thiều ra hoa, đậu quả.

Trước đó, vải thiều tỉnh Bắc Giang cũng được bảo hộ thành công nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia.

Nguồn bài viết