Những năm gần đây, ngành tài chính - ngân hàng đạt được tốc độ chuyển đổi số rất nhanh so với các ngành khác, nhưng phát triển nhanh cần phải song hành với tăng cường bảo mật để giảm thiểu rủi ro. Và trong quá trình đó, tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng để quyết định doanh nghiệp chuyển đổi số có bền vững hay không.
Sự hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp Fintech đang dần thay đổi bộ mặt của ngành tài chính Việt Nam bằng cách cho ra đời nhiều kênh phân phối và sản phẩm dịch vụ mới như ví điện tử, ngân hàng số dựa trên các nền tảng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain)... Trong đó, blockchain được xem là một trong những giải pháp công nghệ tiềm năng mà các doanh nghiệp fintech có thể lựa chọn nhằm cải thiện khả năng vận hành, cắt giảm chi phí và đem đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Dù lĩnh vực tài chính đang tích hợp rất nhiều công nghệ nhưng đa số doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động theo mô hình tập trung, khiến họ phải đối mặt với những thách thức như chu kỳ huy động vốn kéo dài, rủi ro lãi suất, thanh khoản…. Ứng dụng blockchain vào Fintech có thể đem đến các lợi ích như mở rộng khả năng thanh toán P2P, cắt giảm thủ tục hành chính, hạn chế giả mạo dữ liệu, tạo ra những mô hình huy động vốn minh bạch hơn. Các giải pháp blockchain có thể giúp các tổ chức tài chính tiết kiệm một số tiền đáng kể và làm thay đổi cách thức giao tiếp giữa các ngân hàng.
Tư duy của người lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng để quyết định quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp |
Có nên ứng dụng blockchain?
Những lợi ích nêu trên nghe tưởng chừng rất hấp dẫn nhưng điều quan trọng khi ứng dụng blockchain là chủ doanh nghiệp phải đánh giá loại mạng nào sẽ phù hợp nhất với mục tiêu kinh doanh.
Ở Việt Nam, blockchain là công nghệ còn rất mới, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và các phương thức bảo mật hệ thống blockchain vẫn còn rất mơ hồ nên nhiều ngân hàng và doanh nghiệp Fintech vẫn còn chần chừ trong việc ứng dụng công nghệ này vào hệ thống.
Ông Đào Hoàng Thanh cho biết người đứng đầu doanh nghiệp có thể căn cứ vào lộ trình câu hỏi mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới đặt ra để xác định xem doanh nghiệp có nên áp dụng blockchain vào hoạt động của mình hay không.
Lộ trình câu hỏi mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới đặt ra |
Các câu hỏi bao gồm: Doanh nghiệp bạn có đang cố gắng loại bỏ đơn vị trung gian? Doanh nghiệp bạn có quan tâm đến tài sản kỹ thuật số? Doanh nghiệp có ý định tạo ra bản ghi có thẩm quyền vĩnh viễn về tài sản kỹ thuật số được đề cập hay không?... Nếu câu trả lời là không, blockchain chưa phải lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp.
Nhưng nếu câu trả lời là có, nhà sáng lập LaunchZone cho rằng doanh nghiệp vẫn cần nghiên cứu sâu hơn để biết được blockchain có thể ứng dụng ở mức độ nào trong hoạt động kinh doanh rồi mới đến việc quyết định chọn nền tảng blockchain nào cho phù hợp để tránh trường hợp nhiều doanh nghiệp cố gắng nhồi nhét sự ứng dụng blockchain vào trong doanh nghiệp một cách thừa thãi hoặc không đúng cách thì hậu quả thậm chí sẽ gây ra sự phức tạp trong quản lý và vận hành.
Cụ thể, nếu sử dụng mạng riêng tư (private blockchain), doanh nghiệp có thể kiểm soát chặt chẽ những ai tham gia vào mạng lưới. Mặt khác, mạng blockchain công cộng (public blockchain) sẽ đạt được sự phân cấp và phân phối lớn hơn, mạng kết hợp (hybrid blockchain) dung hòa ưu điểm giữa hai mạng blockchain cơ bản. Mỗi loại blockchain đều có ưu và nhược điểm riêng.
Trong quá trình lựa chọn loại mạng phù hợp, người lãnh đạo phải làm việc với nhà tư vấn và các kỹ sư trực tiếp xây dựng sản phẩm và nền tảng để xác định các vấn đề trọng điểm, cách tương tác trong hệ thống để nắm quyền chủ động trong việc thiết kế, thử nghiệm, triển khai và quản lý mạng blockchain.