Nhận diện 7 hình thức lừa đảo phổ biến mới nhất hiện nay

7 tháng trước 58

Cảnh giác các hoạt động quảng cáo trại hè

Chỉ cần lướt Facebook, không ít người sẽ thấy các trang tin chạy quảng cáo tổ chức chương trình trại hè cho học sinh trên địa bàn. Theo đánh giá của Cục ATTT, quy mô của tổ chức lừa đảo này đang có dấu hiệu lan rộng ra khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Chú thích ảnhLan tràn thông tin học hè quân sự trên mạng xã hội. Ảnh: H.Y

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo tạo các tài khoản trên mạng xã hội Facebook như: “Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND”, “Trại hè học kỳ quân đội”, “Trại hè hướng nghiệp hàng không”... với giao diện, địa chỉ, số điện thoại giống với thông tin của các cơ quan Công an, Quân đội, Hãng hàng không Vietnam Airlines. Đồng thời, các trang tin này còn sử dụng các hình ảnh của Công an, Quân đội, nhân viên hàng không để mạo danh cơ quan chức năng và đăng các nội dung như: “Phụ huynh liên hệ cho con em tham gia trại hè 2024 để có trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp và nhận khuyến mãi hấp dẫn…”, sau đó gửi các tiêu chí tham gia ứng tuyển, mã ứng viên và dẫn dắt nạn nhân trao đổi qua mạng xã hội Zalo của “chuyên viên”.

Các đối tượng lừa đảo sẽ tư vấn các cháu sẽ được tham gia miễn phí, bao ăn, bao ở. Đổi lại, học viên tham gia phải tập đặt thử vé máy bay trực tuyến và được hoàn lại tiền; hoặc đặt cọc trước một khoảng tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng để đăng ký. Ban đầu, giá vé máy bay nội địa là vài triệu đồng, sau đó là vé quốc tế với số tiền vài chục triệu đồng.

Do tin tưởng nội dung các trang Facebook trên là đúng sự thật, nhiều người dân đã chuyển tiền để đăng ký cho con em mình tham gia. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong thì đối tượng chiếm đoạt và chặn liên lạc.

Để phòng tránh thủ đoạn lừa đảo trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tổ chức trại hè để lừa đảo. Người dân khi nhận được thông tin từ các trang Facebook có nội dung tương tự như trên, cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Cảnh báo chiếm đoạt mã giảm giá trên sàn TMĐT

Ngày 1/4 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thông tin về việc ra quyết định khởi tố hàng loạt đối tượng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH Shopee.

Trước đó, từ tháng 11/2023, thông qua công tác nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Công an tỉnh Phú Thọ) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Bộ Công an) phát hiện các hội nhóm trên mạng xã hội trong và ngoài địa bàn tỉnh Phú Thọ kêu gọi đặt đơn ảo (trả công cho người đặt đơn) và áp voucher giảm giá khi mua hàng trên sàn TMĐT Shopee.

Chú thích ảnhHình thức chiếm đoạt mã giảm giá trên sàn TMĐT. Ảnh: Shopee

Các hội nhóm này hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, có sự cấu kết giữa người bán (Seller), người mua (Buyer), nhân viên giao nhận tại các công ty chuyển phát và các đối tác tiếp thị liên kết người bán (Seller Affiliate) có đăng ký mở tài khoản trên sàn TMĐT Shopee.

Bằng thủ đoạn chính là đặt đơn hàng ảo, các nhóm này tạo ra các giao dịch ảo với giá trị hàng chục tỷ đồng và thông qua đó tiến hành chiếm đoạt giá trị các mã giảm giá mà Shopee tài trợ cho những người mua hàng trên sàn TMĐT Shopee.

Cụ thể, sàn TMĐT Shopee thường xuyên cung cấp các đợt khuyến mại, giảm giá dưới dạng các mã giảm giá (Voucher) có giá trị cao để tạo điều kiện ưu đãi cho người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được hàng hoá trên sàn TMĐT với giá cả phải chăng. Lợi dụng chính sách hỗ trợ trên, nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt giá trị các mã giảm giá này.

Theo Bộ Công an, hành vi này đang trực tiếp gây thiệt hại cho sàn TMĐT Shopee, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bán hàng, người mua hàng chân chính, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường TMĐT tại Việt Nam.

Qua sự việc trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân không nên tham gia các hội nhóm đặt đơn ảo trên Facebook, Zalo, Telegram hay các nền tảng mạng xã hội khác để tránh tiếp tay cho các nhóm tội phạm lừa đảo các sàn TMĐT hoặc chính mình có thể trở thành nạn nhân bị lừa đảo. Đồng thời, đối với người mua hàng, cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng.

Mạo danh các cơ quan ban ngành

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã phát hiện các đối tượng giả danh là Thanh tra Sở Y tế để lừa đảo bán thuốc với giá từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/đơn thuốc (từ 1 - 3 hộp thuốc), kèm theo "Thẻ bảo hành" với mã bảo hành 110299.

Cụ thể, các đối tượng này sẽ gọi điện thăm hỏi tình hình sức khỏe người bệnh, các loại thuốc đã dùng, sau đó mời mua thuốc "Calcium", "Phục Cốt Đơn" của "Nhà chùa Long Hương" hoặc "Trung tâm hỗ trợ sức khỏe". Với thẻ bảo hành, các đối tượng hứa hoàn 50.000.000 đồng nếu khách hàng phát hiện trong sản phẩm có chất gây hại; đồng thời cam kết hoàn tới 80% chi phí nếu bệnh lý không cải thiện… Theo đó, đối tượng lừa đảo sẽ chuyển thuốc cho người bệnh qua dịch vụ EMS Việt Nam hoặc Viettel Post, nhờ thu tiền hộ qua nhân viên giao hàng.

Chú thích ảnhCảnh báo giả danh cán bộ Sở TT&TT để lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả danh cán bộ Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) tỉnh để gọi điện thông báo và hù dọa nạn nhân là đang phối hợp với công an, nhân viên viễn thông điều tra số điện thoại của chủ thuê bao đã có hành vi đăng tải, phát tán thông tin chống phá Đảng, Nhà nước hoặc liên quan đến đường dây phản động, rửa tiền và sẽ bị mời làm việc để xử lý.

Sau khi hù dọa, đối tượng gọi tới yêu cầu chủ thuê bao đang nghe điện thoại khai báo thông tin cá nhân, hướng dẫn truy cập vào các đường link do đối tượng gửi đến để xác nhận thông tin hoặc làm việc với cơ quan chức năng, nhằm mục đích phục vụ cho việc lừa đảo của đối tượng.

Cục ATTT cho biết, Sở TT&TT các tỉnh không có cán bộ, công chức thuộc Sở gọi điện thoại thông báo hoặc mời làm việc để xử lý bất cứ ai liên quan đến các vụ việc theo hình thức nêu trên. Ngoài ra, Sở TT&TT là cơ quan Nhà nước, nếu có mời làm việc liên quan đến cá nhân, tổ chức nào, đều phát hành văn bản chính thức hoặc cử cán bộ, công chức đến tận nơi cư trú gửi thư mời hoặc thông qua chính quyền địa phương mời làm việc trực tiếp.

Theo đó, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Trường hợp nhận được các cuộc gọi điện thoại nghi vấn từ đối tượng, người dân nên bình tĩnh, không quá lo lắng, đồng thời có thể tra cứu thêm thông tin, ghi âm lại cuộc gọi để làm bằng chứng báo với cơ quan chức năng.

Ngay cả với ngành y tế, Cục ATTT cũng khuyến cáo Sở Y tế không có ai trực tiếp gọi điện mua bán thuốc cho người dân. Do đó, người dân nên cẩn trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội, đặc biệt đối với các mặt hàng liên quan đến sức khoẻ và tính mạng người sử dụng. Tuyệt đối không nghe tư vấn trên các trang web hay cuộc gọi giả mạo khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn.

Người dân khi muốn khám chữa bệnh, chỉ nên tìm đến các cơ sở y tế đã được cấp phép để chuyên gia y tế khám, hướng dẫn chữa trị và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được Nhà nước cấp phép theo đúng quy định, để tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Rầm rộ trở lại chiêu trò lừa đảo mạo danh VTV tổ chức cuộc thi ảnh

Mới đây, Thời báo VTV nhận được thông tin của độc giả về chương trình "Cuộc Thi Ảnh Khoảnh Khắc Yêu Thương Mẹ và Bé" được một Fanpage Facebook cùng tên giới thiệu, do "VTV và Công ty TNHH Vua Hàng Hiệu Việt Nam tổ chức". Đơn vị này khẳng định, đây hoàn toàn là trang thông tin giả mạo và đăng tải thông tin không chính xác.

Chú thích ảnhMạo danh VTV tổ chức cuộc thi ảnh. Ảnh: Cục ATTT

Theo thông tin từ Fanpage lừa đảo, để tham dự cuộc thi, phụ huynh cần gửi 1 ảnh của mẹ (bà) và bé chụp cùng nhau cho trang Fanpage của BTC kèm lời tâm sự, lời chúc hay lời nhắn ý nghĩa đến các con. Phần thưởng cuộc thi lên tới 50 triệu đồng. Thế nhưng, khi phụ huynh liên hệ đăng ký tham gia, một người phụ trách có tên Nguyễn Hữu Trí (tên và ảnh mạo danh BTV Hữu Trí của VTV) hướng dẫn nếu tham gia chương trình, phải mua hàng của công ty "Vua hàng hiệu", sau đó bên "Vua hàng hiệu" sẽ thanh toán lại và "thưởng" thêm phần trăm cho người chơi.

Trước thủ đoạn này, Cục ATTT đã khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác đối với các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng xã hội; cần thực hiện xác minh và tìm hiểu kỹ các thông tin về chương trình thi ảnh hay tuyển mẫu thời trang trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Tuyệt đối không tham gia các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng khi chưa trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin ngoài đời thực. Không thực hiện theo yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng đặc biệt là giao dịch chuyển tiền.

Hack và chiếm quyền Youtube người nổi tiếng để lừa đảo

Mới đây, hàng loạt các kênh mạng xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung bị hacker tấn công. Cụ thể, kênh YouTube MixiGaming (Phùng Thanh Độ) đã bị tấn công chiếm quyền điều khiển. Hacker sau đó đã ẩn hết nội dung video và dùng kênh này để livestream nội dung quảng cáo tiền mã hóa.

Tương tự, kênh YouTube Quang Linh Vlogs cũng bất ngờ đổi tên thành một loại tiền số khiến cộng đồng mạng cảm thấy hoài nghi. Theo thông báo của Facebook Phạm Quang Linh có dấu tích xanh, 3 tài khoản YouTube thuộc hệ thống kênh của Quang Linh Vlogs đã bị hack.

Chú thích ảnhẢnh minh họa: Cục ATTT

Theo Cục ATTT, việc hacker chiếm đoạt quyền điều khiển của tài khoản mạng xã hội của người nổi tiếng có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ngoài mục đích lừa đảo hoặc gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và quyền riêng tư của họ, đối tượng có thể sử dụng tài khoản để gửi tin nhắn lừa đảo hoặc các liên kết độc hại đến danh sách bạn bè của người nổi tiếng.

Hiện tại, kênh YouTube MixiGaming của Phùng Thanh Độ đã khôi phục được trở lại sau 2 lần bị hacker tấn công chiếm quyền điều khiển. Tuy nhiên, Cục ATTT khuyến cáo, người dùng cần tuyệt đối cẩn trọng trong việc bảo mật tài khoản và thông tin cá nhân. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc thông tin đăng nhập qua tin nhắn hoặc email; không đăng nhập tài khoản trên thiết bị lạ. Hình thành thói quen thường xuyên thay đổi mật khẩu, cài đặt mật khẩu mạnh, xác thực 2 bước.

Ngoài ra, người dùng cũng nên cảnh giác trước những tin nhắn vay mượn tiền không chỉ từ người lạ mà cả những người quen biết, người thân trong gia đình. Khi có yêu cầu vay hoặc chuyển tiền vào tài khoản qua mạng xã hội, người dân nên thực hiện các phương thức xác thực khác như gọi điện thoại hay sử dụng các kênh liên lạc khác để xác nhận lại, tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Dẫn dụ truy cập website lừa đảo qua wifi miễn phí

Nhiều người có thói quen hỏi mật khẩu để truy cập vào các mạng WiFi miễn phí tại các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi, đây cũng là những nơi ẩn chứa vô số rủi ro có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thông tin cá nhân và túi tiền của người dùng.

Chú thích ảnhẢnh minh họa: Cục ATTT

Mới đây, một người dùng di động đã gặp phải tình huống đáng ngờ khi kết nối vào mạng WiFi miễn phí. Trong quá trình lướt Facebook, người dùng có ấn vào đường link website của một cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, kết quả là người dùng di động này bị dẫn đến một website lạ. Trước đó, trình duyệt đã hiện lên cảnh báo: “Trang web này không dùng kết nối bảo mật. Thông tin cá nhân của bạn, chẳng hạn như mật khẩu hoặc số thẻ tín dụng, có thể không bảo mật khi kết nối với website này”.

Sau khi tắt đường link và truy cập lại một lần nữa vào website cơ quan nhà nước, thông báo cảnh báo dẫn vào được link lạ vẫn tiếp tục hiện lên. Tuy nhiên, khi người dùng này ngắt truy cập WiFi free, sử dụng mạng 4G thì mọi thứ trở lại bình thường.

Cục ATTT cho biết, về bản chất, mạng quảng cáo sẽ bán cho người khác đặt banner, cửa hàng, quán cafe, vậy nên những đường link đính kèm hoàn toàn có thể bị cài cắm mã độc. Theo đó, Cục ATTT khuyến cáo người dùng di động cần luôn cảnh giác khi truy cập các hệ thống WiFi mới, đặc biệt tại địa điểm công cộng như khách sạn, nhà hàng, quán cafe. Bởi khi đó, kết nối của người dùng sẽ phụ thuộc vào cài đặt của cơ sở cung cấp WiFi. Trong trường hợp gặp các thông tin lạ, người dùng nên bỏ qua. Đặc biệt lưu ý, chỉ thực hiện các giao dịch quan trọng trên các mạng tin tưởng như WiFi tại nhà, ở công ty hay mạng 3G/4G từ điện thoại.

Không nhận hay gửi tiền từ đối tượng không biết rõ

Tuần qua, các ngân hàng đã liên tục cảnh báo xuất hiện tình trạng nhờ nhận và chuyển tiền cho một người lạ với một khoản phí vì đây có thể là hành vi tiếp tay cho các tội phạm, đối tượng lừa đảo rửa tiền.

Chú thích ảnhNgân hàng cảnh báo hình thức lừa đảo để rửa tiền. Ảnh: N.H

Theo ngân hàng Standard chartered, các đối tượng lừa đảo luôn tiếp cận nạn nhân bằng các thủ đoạn tinh vi và chuyên nghiệp, chúng có thể sử dụng các mánh khóe đánh vào cảm xúc để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, mọi người nên cảnh giác và đừng nhận hoặc gửi tiền giúp bất kỳ ai khi không biết rõ về đối tượng, không biết lý do tại sao hoặc khoản tiền này đến từ đâu.

Chiêu trò lừa đảo thường gặp là thông qua các trang hẹn hò trực tiếp, qua tuyển dụng việc làm, qua email, qua mạng xã hội hay tại các sự kiện, các đối tượng lừa đảo sau khi tạo dựng được mối quan hệ bạn bè, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân mở một tài khoàn hoặc nhờ chi trả họ các vé máy bay, chi phí y tế hoặc một khoản tiền chuyển sai, một khoản quỹ thay mặt công ty, tặng tiền nóng…

Cục ATTT cho rằng, để hạn chế lừa đảo, cần cản trọng trước các đối tượng đề nghị tặng phí cho các giao dịch chuyển tiền đơn giản, không chia sẻ chi tiết về thông tin tài khoản ngân hàng cho các đối tượng mà mình không biết rõ hoặc cảm thấy không tin tưởng, không mở tài khoản ngân hàng bằng tên mình để nhận hoặc chuyển tiền cho các đối tượng khác… Nếu đã từng bị lừa nhận hoặc gửi tiền bằng tài khoản cá nhân, nên thông báo ngay cho các ngân hàng tài khoản đang sử dụng.

Nguồn bài viết