'Nhất nghệ tinh’ trước ngưỡng cửa 4.0 - Bài 2: 'Chuyển động' của các trường nghề

3 năm trước 249

Đầu tư công nghệ quản trị và thực hành

Để tiếp cận với công nghệ mới trong đào tạo, gắn đào tạo với thực hành, một số trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ ngành chủ quản đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị khá hiện đại.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội cho biết: “Khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, nhà trường đã đầu tư phần mềm tuyển sinh trực tuyến, hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning với mục tiêu không chỉ giảng dạy mà còn quản trị được nội dung giảng dạy; đưa học liệu lên hệ thống với yêu cầu bảo mật và mở ra không gian rộng lớn cho việc kết nối học tập với các chuyên gia nước ngoài. Nhờ đó, dù giãn cách trong thời gian qua nhưng lớp tiêu chuẩn nghề của Đức vẫn được nhà trường thực hiện theo phương châm “3 tại chỗ”.

Chú thích ảnhSinh viên trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội thực hành trên các thiết bị hiện đại.

Hệ thống máy móc thực hành của nhà trường cũng đầu tư đồng bộ lên đến hàng tỷ đồng. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2019 tại Kazan (Liên bang Nga), trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chọn là nơi huấn luyện tay nghề về Phay CNC và tiện CNC. Nhờ được rèn luyện thực hành trên hệ thống máy hiện đại của nhà trường mà học sinh Trương Thế Diệu đạt Huy chương Bạc thế giới nghề Phay CNC. Trường được cấp phép liên kết đào tạo và đánh giá sư phạm dạy nghề theo chuẩn Australia và mới đây là đào tạo theo chuẩn nghề của Đức.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và thực hiện chuyển đổi số, các trường cao đẳng, trung cấp đã đẩy mạnh đào tạo trực tuyến (online) đối với các nội dung, môn học, mô đun phù hợp. Theo thống kê, đến nay có trên 60% số trường trung cấp, cao đẳng áp dụng một hoặc nhiều hình thức giảng dạy trực tuyến vào các nội dung đào tạo phù hợp trong chương trình như CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, CĐ Công Thương miền Trung, CĐ công nghệ cao Đồng Nai, CĐ Lý Tự Trọng, CĐ Kỹ nghệ II, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng…

Nhiều trường đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp bao gồm việc học tập trực tuyến (e-learning), hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS – Learning Management System), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS – Learning Content Management System). “Việc đầu tư hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp đáp ứng công tác quản lý của nhà trường không phải chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà cho lâu dài như một xu hướng mới trong tổ chức, quản lý đào tạo bởi chất lượng đường truyền ổn định, quản trị được nội dung, cho phép xây dựng mô hình mô phỏng trên hệ thống”, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy cho biết.

Chú thích ảnhMột số trường nghề áp dụng công nghệ dạy học trực tuyến e-learning trong quản trị nội dung đào tạo, học tập trực tuyến.

Cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến, các nhà trường cũng khuyến khích giáo viên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử, xây dựng hệ thống liên lạc điện tử, trực tuyến với các nhóm học sinh, sinh viên theo khoa, khóa học trên website của trường.

Cùng với việc đầu tư hệ thống giảng dạy trực tuyến, với các trường cao đẳng, chất lượng, việc đầu tư cho hệ thống thực hành cũng chiếm tỷ trọng lớn. Thầy Hoàng Nhân Thắng, Khoa chế biến gỗ (Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc, Hữu Lũng, Lạng Sơn) cho biết: Trường được đầu tư thiết bị hiện đại từ năm 2014 và tiếp tục đầu tư trong năm nay để học sinh được thực hành hoàn toàn trên máy móc hiện đại như ở doanh nghiệp. Đơn cử như việc học thiết kế trên CNC để tạo ra sản phẩm gỗ có tính thẩm mỹ, đáp ứng với nhu cầu thị trường.

Chú thích ảnhHọc sinh, sinh viên Khoa chế biến gỗ (Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc) thực tập trên thiết bị hiện đại.

Trong khi đó, ở góc độ nghề kỹ thuật, việc đầu tư thiết bị dụng cụ tốn kém hơn rất nhiều. Ông Phạm Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: Do đặc điểm của nghề nên trường đầu tư phần lớn kinh phí vào thiết bị, dụng cụ thực hành trực tiếp. Bên cạnh đó, trường cũng được Cục Biến đổi khí hậu (Tổng cục Môi trường) hỗ trợ đầu tư những công nghệ mới, giúp không làm ô nhiễm môi trường. Đồng thời nhà trường đầu tư mô hình, mô phỏng của hệ thống điện, điện lạnh để biết được nguyên lý, thiết kế hệ thống. Chi phí mô hình này lên đến hàng tỷ đồng. Do đó, việc thực hành sát nhất là thực hành tại hệ thống công nghệ sản xuất tại doanh nghiệp.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội đề nghị Tổng cục GDNN cần xây dựng các hệ thống dữ liệu dùng chung: giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo, ngân hàng câu hỏi cho các trường nghiên cứu, mô hình, phần mềm mô phỏng, ảo hóa... Theo từng nhóm ngành nghề, các trường liên kết, trao đổi với nhau về mô hình và cách thức đào tạo chuẩn hóa từng nghề thế mạnh.

Liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp

Việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu thế tất yếu để tiệm cận với công nghệ mới và giải quyết đầu ra cho các trường với mục tiêu học sinh ra trường có việc làm. “Hệ thống dàn lạnh công nghiệp, cơ điện tử của một nhà máy, doanh nghiệp rất lớn mà trường khó có thể đầu tư được. Do đó, việc liên kết để học sinh, sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp là mối quan hệ hữu cơ. Sinh viên, học sinh được tiếp cận với công nghệ mới, đồng thời qua đó sinh viên, học sinh học tập thái độ, tác phong công nghiệp. Học sinh, sinh viên được thực tập sản xuất như một lao động của doanh nghiệp và được trả lương”, ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Chú thích ảnhTrường Cao đẳng cơ điện Hà Nội hợp tác với Toyota Việt Nam trong đào tạo tại nhà trường.

Anh Nguyễn Xuân Lực, quản lý đào tạo và giải pháp kinh doanh tại Nhà máy sản xuất MHM nhớ lại thời gian mới đi thực tập tay nghề sơn tại doanh nghiệp cũng bất ngờ về công nghệ và trang thiết bị của doanh nghiệp. Thời điểm đó, hệ thống sơn của trường trung cấp giao thông công chính Hà Nội cũng là công nghệ tân tiến nhưng không so được với doanh nghiệp từ bộ lọc sơn, pha màu, đồ bảo hộ….

Việc hợp tác với doanh nghiệp diễn ra với nhiều hình thức. Đơn cử như trường Cao đẳng cơ điện hợp tác với Công ty Toyota Việt Nam tài trợ trang thiết bị, dụng cụ chuyên dùng về đào tạo sửa chữa thân vỏ xe ô tô. Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Vinfast tặng trường 3 động cơ mới và hợp tác đào tạo song hành với trường về Công nghệ ô tô và Cơ điện tử theo đơn đặt hàng, mô hình đào tạo sẽ là xu thế trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng An Giang, dù ngành cơ điện tử của trường được đầu tư xưởng thực hành theo tiêu chuẩn châu Âu nhưng một trong những chiến lược trọng điểm của trường vẫn là tăng cường liên kết với doanh nghiệp. Tăng cường liên kết với doanh nghiệp là để các em sinh viên có cơ hội tăng thời gian thực hành tại doanh nghiệp, lại có thêm thu nhập bù đắp cho chi phí học hành.

Hầu hết các trường nghề không có nhiều tiềm lực để đầu tư mạnh cho trang thiết bị, trừ khi được Nhà nước hỗ trợ. Cách làm của các trường là liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành với các ngành trường đào tạo để có thể gửi sinh viên đến thực hành, tận dụng thiết bị sản xuất của doanh nghiệp làm thiết bị giảng dạy và cho sinh viên làm quen sớm với công việc.

Ở góc độ chuyên gia, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Với các bậc học GDNN, việc liên kết với doanh nghiệp rất quan trọng bởi trường nghề thực hành chiếm tới 70%. Việc thực hành sẽ giúp nhà trường nắm bắt được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để đào tạo cho phù hợp, đồng thời định hướng cho học sinh, sinh viên ngay quá trình thực tập không chỉ kỹ năng nghề mà còn kỹ năng làm việc theo nhóm, tiêu chuẩn an toàn và được giữ lại làm việc. 

Còn TS. Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, GIZ cho biết: Tại Đức có mô hình Trung tâm đào tạo và thực hành nghề liên doanh nghiệp. Theo đó, học viên học tập trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp và tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thời gian đào tạo 3 năm cho 1 nghề; trong đó thời gian thực hành tại doanh nghiệp chiếm 50%; đào tạo tại trường là 30% và 20% ở trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp. Trong đó, mỗi sinh viên có 2 tháng/năm học tập ở trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp được vận hành bởi hội, ngành. Về kinh phí đào tạo, kinh phí từ Chính phủ chiếm 40%, doanh nghiệp 35% và người được đào tạo 25%. Với đào tạo nghề, học sinh có học bổng và hỗ trợ khi học nên thực tế chi phí chủ yếu để học nghề từ mô hình này là từ nguồn của Chính phủ.

Bài 3: Nâng tầm kỹ năng nghề 

 

Nguồn bài viết