Nhóm nghị sĩ ASEAN kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Myanmar

3 năm trước 265
Nhóm nghị sĩ ASEAN kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Myanmar - Ảnh 1.

Ông Anwar Ibrahim, lãnh đạo phe đối lập Malaysia, là một trong những người lên tiếng kêu gọi ASEAN đình chỉ tư cách thành viên của Myanmar - Ảnh: REUTERS

Tuyên bố của nhóm 6 nghị sĩ đương chức lẫn về hưu tại Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore cũng kêu gọi ASEAN xem xét áp lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại đối với chính quyền quân sự Myanmar.

Lãnh đạo phe đối lập của Malaysia Anwar Ibrahim, cựu phó chủ tịch Quốc hội Indonesia Fadli Zon, thượng nghị sĩ Philippines Kiko Pangilinan, cựu nghị sĩ Singapore Charles Chong và cựu ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya nằm trong số những người ký tuyên bố chung.

“Tất cả các chính phủ ASEAN phải đoàn kết và gửi một thông điệp rõ ràng tới quân đội Myanmar rằng họ phải phóng thích ngay lập tức tất cả các tù nhân chính trị, khôi phục tình hình chính trị ở Myanmar trước cuộc đảo chính ngày 1-2 và tôn trọng lá phiếu của người dân trong tổng tuyển cử tháng 11-2020", báo South China Morning Post (SCMP) trích dẫn tuyên bố chung của nhóm nghị sĩ.

Theo nhóm nghị sĩ, nếu chính quyền quân sự Myanmar không truy tố những người đã giết hại dân thường, "tất cả các chính phủ ASEAN khác phải đoàn kết và đình chỉ tư cách thành viên ASEAN của Myanmar, sau đó áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại có mục tiêu đối với chính quyền quân sự cùng các liên kết của họ".

Thống kê của Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 16-3 cho biết đã có 149 người thiệt mạng kể từ khi quân đội Myanmar lật đổ chính quyền dân sự ngày 1-2. Con số do truyền thông và các nhóm nhân quyền Myanmar công bố thì lên tới hơn 200 người.

Không có quy định cụ thể nào trong Hiến chương ASEAN về cách thức đình chỉ hoặc loại bỏ các quốc gia thành viên. Do đó, theo báo SCMP, nếu muốn đình chỉ tư cách thành viên của Myanmar, cần thiết phải có sự nhất trí của 9 nước còn lại trong khối.

Nhóm nghị sĩ ASEAN kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Myanmar - Ảnh 2.

Người biểu tình tháo chạy khi cảnh sát trấn áp ở Yangon, Myanmar ngày 17-3 - Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng các nước ASEAN đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt hồi đầu tháng 3 với người được chính quyền quân sự Myanmar chỉ định làm ngoại trưởng. Cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy ASEAN sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Myanmar.

Mặc dù bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực, các nước ASEAN vẫn cho rằng tạo điều kiện để các bên ở Myanmar giải quyết khác biệt thông qua đối thoại là điều tốt nhất. Một số quốc gia tuyên bố tôn trọng nguyên tắc "không can thiệp công việc nội bộ" mà ASEAN đã thống nhất từ lâu.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 17-3, nhóm nghị sĩ đương chức và về hưu của ASEAN đã phản đối việc duy trì nguyên tắc này. Việc ASEAN thay đổi hiến chương, từ bỏ nguyên tắc không can thiệp nội bộ, được xem là không khả thi vào thời điểm hiện tại.

Ông Fadli Zon, người vẫn đang là nghị sĩ Quốc hội Indonesia, tuyên bố sẽ đề xuất Hội đồng Liên nghị viện ASEAN đình chỉ tư cách thành viên của Quốc hội Myanmar đến khi nền dân chủ Myanmar được khôi phục.

ASEAN và Úc phối hợp chặt chẽ duy trì hòa bình Biển Đông, bàn vụ MyanmarASEAN và Úc phối hợp chặt chẽ duy trì hòa bình Biển Đông, bàn vụ Myanmar

TTO - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Úc ngày 17-3 thảo luận các vấn đề về Biển Đông và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như kêu gọi kiềm chế, giảm bạo lực và duy trì tiến trình dân chủ tại Myanmar.

Nguồn bài viết