Tại một doanh nghiệp Việt sản xuất nhựa có xuất khẩu cho các tập đoàn lớn của thế giới - Ảnh: THANH HƯƠNG
Năm 2020 trong bối cảnh xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 6,5%, cùng với đó là kỷ lục xuất siêu 19,1 tỉ USD.
Góc khác của kỳ tích
Từ năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của VN đã vượt ngưỡng 100 tỉ USD. Năm 2017 vượt ngưỡng 200 tỉ USD. Năm 2020 vượt 281,5 tỉ USD. Song vẫn ít phân tích sâu về xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) Việt.
Năm 2011, xuất khẩu của khối này được 41,8 tỉ USD; 5 năm sau (2016) lên 50,3 tỉ USD; 5 năm tiếp theo (2020) lên 78,2 tỉ USD. Cứ theo đà này thì còn lâu xuất khẩu của DN nội mới đạt tới 100 tỉ USD. Ngay năm 2020, khi xuất khẩu đạt kỳ tích thì xuất khẩu của DN nội giảm 1,1%.
Vấn đề là tỉ trọng xuất khẩu của khối DN Việt trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng teo tóp. Năm 2011 tỉ trọng đó là 43,15%, đến 2020 còn 27,8%. Đương nhiên với thực tế này, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) áp đảo, đồng nghĩa với sự tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào nó. Các mặt hàng điện tử, điện thoại, sản phẩm quang học... chủ yếu do khối FDI tạo ra, có thể đã qua thời hoàng kim, từ đây sẽ khó tăng ấn tượng.
Đồ họa: T.Đạt
Chờ giải pháp mới
Sản lượng nông sản của VN cũng đã đến ngưỡng, xuất khẩu muốn bứt phá sẽ trông nhiều vào chế biến nhưng vẫn chờ thay đổi mạnh vì hiện vẫn xuất khẩu hàng thô là chủ yếu và đa số vào Trung Quốc.
5 năm (2016 - 2020), VN luôn xuất siêu. Song ít ai biết cũng trong 5 năm qua khối DN nội liên tục nhập siêu: năm 2016 là 22,1 tỉ USD, 2019 là 25 tỉ USD và 2020 là 25,4 tỉ USD.
Dù khối FDI cũng là một bộ phận của kinh tế VN nhưng với việc kết nối chưa tốt nên "nhờ" khối FDI xuất siêu vượt số nhập siêu của khối DN nội nên VN mới có con số xuất siêu đẹp.
Với các FTA, hàng Việt có thể vào khắp các "chợ" trên thế giới, chúng ta có khoảng 80 thị trường ra tấm ra món. Nhưng xuất khẩu vẫn trông cậy vào 6 khách hàng lớn là Hoa kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật, ASEAN (chiếm 78,7% tổng kim ngạch xuất khẩu vào tất cả các thị trường).
Từ 2016 có FTA với Hàn Quốc, nhập siêu của ta từ Hàn Quốc có thời điểm vượt nhập siêu từ Trung Quốc. Núi nhập siêu từ Trung Quốc vẫn cao ngất. Trung Quốc vừa thông báo đã phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bên cạnh những cơ hội cho hàng Việt thì hàng Trung Quốc cũng thêm cơ hội "ngạo nghễ" vào ta.
Các FTA mang lại ưu đãi lớn nhất cho xuất khẩu của VN là được hạ thuế suất và được tạo thuận lợi thương mại hơn. Nhưng ta cũng hạ thuế suất cho hàng của đối tác, rồi các tranh chấp thương mại, hàng rào kỹ thuật. Năm 2020 đã có 39 vụ việc khởi xướng điều tra mới với hàng Việt, tăng gần 2,5 lần so với năm 2019.
Quý 1 năm nay, số lô hàng thủy sản bị Trung Quốc trả về tăng đột biến so với năm 2020 do chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng từng được coi là dễ tính. Nạn gian lận xuất xứ diễn biến phức tạp vì khả năng có "nội gián" tiếp tay.
Bên cạnh đó, những vấn đề nói mãi: công nghiệp phụ trợ kém, tiếng là làm ra hàng công nghệ song chỉ là gia công, lắp ráp; logistics đuối sức... còn là nỗi ám ảnh. Những vấn đề trên đang chờ giải pháp mới để bức tranh xuất khẩu, thể hiện nội lực sản xuất trong nước, ngày càng khởi sắc hơn.