Tình nguyện viên vận chuyển thực phẩm đến các hộ dân tại quận 4 - Ảnh: PHƯƠNG HỒ
"Tôi ở TP.HCM được 16 năm, đã nhận biết bao điều tốt đẹp từ thành phố này. Hôm nay, nhìn Sài Gòn ‘bị thương’ nặng đến vậy, tôi thấy trái tim mình thổn thức. Đã đến lúc tôi phải trả ơn TP.HCM, bằng chút sức lực nhỏ bé của mình. Chúng tôi phải cố gắng!".
Đó là những lời tâm sự của chị Giang Thị Kim Cúc khi tiếp tế thực phẩm cho bà con ở những khu vực bị cách ly, phong tỏa.
Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Facebook râm ran hình ảnh những cái rổ trống lốc được người dân ở quận 4 đặt trước cửa nhà. Giữa thành phố hoa lệ, ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến nhiều người chới với.
Sống trong điều kiện giãn cách xã hội và tình hình nhiều khó khăn đã khiến họ cần một bàn tay san sẻ, giúp đỡ những bữa cơm hằng ngày. Hình ảnh ấy đã đến trong tâm trí chị Kim Cúc và nhiều tấm lòng hảo tâm trong cộng đồng. Họ ngay lập tức khởi động chiến dịch tiếp tế thực phẩm "thần tốc".
Chỉ trong 3 ngày kêu gọi và nấu nướng, gần 20 con người đã dốc sức làm ra 2.000 hộp sườn non lá chanh chay, 2.000 hộp kho quẹt chay, kêu gọi hơn 3.000 hũ muối tiêu, gạo, bánh, rau củ quả, trái cây để chi viện cho người dân khu vực quận 4.
Tại hai phường 16 và 18, nhóm cũng hỗ trợ khẩu trang, nước muối nhỏ mắt, gel rửa tay, tấm chống giọt bắn và đồ bảo hộ y tế cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch. Số nguyên liệu được quyên góp lên đến hàng tấn gạo, hàng trăm lít dầu ăn và nước mắm, 600kg sườn chay và khoảng 2 tấn rau củ quả.
Chỉ trong những lúc khó khăn thế này mới thấy người Việt Nam đoàn kết và tử tế lắm, chúng ta xem dịch bệnh là kẻ thù chung nên sẵn lòng bỏ tiền bạc và tinh thần ra để hỗ trợ lẫn nhau, không phân biệt điều gì cả.
Chị Giang Thị Kim Cúc - người đang cùng những đồng đội tại cộng đồng Green Trips Vietnam và Nhà ăn 0 đồng Lộc Ninh
Tình nguyện viên vận chuyển thực phẩm đến các hộ dân tại quận 4 - Ảnh: PHƯƠNG HỒ
Nguyên liệu được chia về cho 4 bếp nấu. Do quy định về giãn cách xã hội trong mùa dịch, mỗi bếp chỉ có khoảng 4 - 5 tình nguyện viên tham gia chế biến và nấu.
Các phần ăn được nấu tại bếp ăn Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) được vận chuyển theo những chuyến xe cứu thương 0 đồng, một dự án khác do cộng đồng Green Trips Vietnam thực hiện để kịp đến tay bà con cần giúp đỡ. Khi được chuyển đến điểm tập kết ở quận 4, từng phần ăn sẽ được các tình nguyện viên mang đến từng hộ trao cho người dân.
"Ngoài chế biến đồ ăn phù hợp dùng trong thời gian dài, chúng tôi kèm thêm rau củ, bánh, trái cây, thức ăn dinh dưỡng như nước ép, sữa chua… Khi quyên góp thức ăn, tôi nghĩ cần phải hiểu tâm lý người nhận, và cho những đồ mà chính mình cũng sẽ muốn ăn", chị Cúc chia sẻ.
Con số hàng tấn nguyên liệu quyên góp và hàng ngàn thành phẩm được hoàn thành chỉ trong 3 ngày tính từ lúc thông tin được chia sẻ, theo chị Kim Cúc, thể hiện tinh thần đoàn kết và nghĩa tình rất lớn của người dân Việt Nam.
Người dân nhận thực phẩm chi viện từ cộng đồng Green Trips Vietnam và Nhà ăn 0 đồng Lộc Ninh - Ảnh: KIM CÚC
Kể từ khi được thành lập từ giữa năm 2019 đến nay, dự án Nhà ăn 0 đồng Lộc Ninh trở thành "người bạn" của các hoàn cảnh khó khăn.
Riêng trong mùa dịch, mỗi ngày nhà ăn cung cấp từ 3.000 - 4.000 phần ăn cho bà con nghèo, đặc biệt là tại huyện Lộc Ninh. Nhiều phần ăn cũng được san sẻ để hỗ trợ người gặp khó khăn tại TP.HCM.
Có những đợt cao điểm trong mùa dịch, mỗi ngày các tình nguyện viên phải thức dậy nấu ăn từ 2h sáng và hoàn thành công việc vào 10h đêm.
Là nhà ăn vì cộng đồng, nhiều khó khăn đòi hỏi những người thực hiện phải giải quyết, từ vấn đề tài chính đến quản lý nhân sự, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh và ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội. Song, chị Kim Cúc nói ngày nào còn cố gắng được, chị và các cộng sự vẫn sẽ tiếp tục hành trình giúp đỡ mọi người.
"Chúng tôi biết sức mình có hạn, nhưng vẫn sẽ cố gắng hết mình", chị cười. Hiện nay, kế hoạch chi viện thực phẩm cho khu vực quận 4 vẫn sẽ được chị Cúc cùng các tình nguyện viên tiếp tục thực hiện, cho đến khi nào tình hình dịch bệnh ổn định.
Cộng đồng này cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ cho những khu vực gặp khó khăn khác trong khả năng của nhóm.
Đồ họa: NGỌC THÀNH