Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải chia sẻ quan điểm về khai thác nguồn lực đất đai - Ảnh: N.KH
Đó là những ý kiến được các bí thư tỉnh ủy nêu ra tại hội thảo "Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19: Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương" do Hội đồng Lý luận trung ương tổ chức ngày 28-3.
Nhìn nhận về nguồn lực đất đai, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho rằng đang vướng rất nhiều về cơ chế, quy định không rõ ràng như giải phóng mặt bằng, đấu giá, đấu thầu… đặt ra nhiều thách thức, bởi nếu làm không khéo khi soi lại sẽ "không biết ai đúng ai sai".
Đặc biệt liên quan đến đấu giá có thể sẽ tạo nên một cuộc đua để giá đất tăng cao, làm giảm hiệu quả chung. Ông Hải kể câu chuyện một nhà đầu tư từng tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm (TP.HCM) đã trực tiếp gọi điện đề xuất: "Để tôi về đấu giá, nâng giá đất tỉnh anh lên".
"Tôi bảo không cần nâng giá đất" - ông Hải kể lại đã trả lời người đó và nhận định việc đấu giá không đúng sẽ khiến giá đất ngày càng tăng lên, trong khi theo quan điểm của ông, nguồn lực đất đai không phải được đo đếm bằng nguồn thu ngân sách mà cần đánh giá bằng việc khai thác, sử dụng hiệu quả.
Cũng nhìn vào nguồn lực đất đai, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng lợi thế đất đai đã được địa phương khai thác trở thành cơ hội nổi trội và khác biệt của Thanh Hóa.
Bằng chứng là Thanh Hóa rất quan tâm công tác giải phóng mặt bằng, bởi "nếu không có giải phóng mặt bằng đừng bao giờ nói đầu tư, đừng bao giờ nói giải quyết việc làm, thu ngân sách và tăng trưởng". Do đó, giải phóng mặt bằng được xem là nhiệm vụ, nên tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, ký cam kết về tiến độ, giao trách nhiệm cho từng cá nhân, triển khai thực hiện hiệu quả.
Quan tâm hơn đến nguồn lực con người và nâng cao năng lực quản trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết những năm qua, tỉnh tập trung xây dựng nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả.
Đặc biệt là tập trung tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, xử lý 4 mâu thuẫn cơ bản, biến thách thức thành cơ hội như: tập trung cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội… giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân, doanh nghiệp.
"Tỉnh xác định con người vừa là nguồn lực, vừa là động lực, bảo đảm cho nguồn lực chuyển thành động lực cho phát triển. Nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý chất lượng cao phải thể hiện ở trình độ, ý chí bản lĩnh, đủ năng lực phát hiện, tác động làm biến chuyển mọi tiềm năng thành hiện thực, nếu không tiềm năng mãi mãi vẫn là tiềm năng" - ông Ký cho hay.