Tòa tháp Burj Khalifa ở thành phố Dubai (UAE) - Ảnh: DIGITAL TRENDS
UAE là một trong những quốc gia đang duy trì quan hệ với Nga. Theo Hãng tin Bloomberg, dòng tiền của nhà giàu Nga vào UAE theo cách chuyển tiền mặt và ví điện tử đã tăng tốc trong 2 tuần qua, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang.
Điều này khiến UAE đang chịu áp lực phải tăng cường giám sát dòng tiền đổ đến nước này.
"Vùng xám" rửa tiền
Hôm 4-3, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) - một tổ chức có trụ sở tại thủ đô Paris (Pháp) do các nước G7 thành lập để chống rửa tiền - đã đưa UAE vào "danh sách xám" các khu vực pháp lý không đủ sức phát hiện ra các quỹ bất hợp pháp. FATF từng cảnh báo UAE hai năm trước đây.
UAE cũng đã thành lập Văn phòng điều hành về chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố (AML/CFT). Cơ quan này bao gồm những đơn vị hàng đầu của chính quyền để thúc đẩy các biện pháp kiểm soát mới về tội phạm tài chính. Đồng thời, cơ quan này cũng tăng cường quan hệ đối tác, chia sẻ thông tin tình báo kinh tế, tội phạm với các nước.
Việc theo dõi tiền của Nga trên toàn thế giới - không chỉ riêng UAE - là mối quan tâm lớn được các nước thành viên nêu ra tại cuộc họp toàn thể của FATF vào tuần trước.
Cam kết hợp tác với quốc tế
Trả lời câu hỏi của hãng tin Bloomberg, người phát ngôn Văn phòng điều hành AML/CFT cho biết Bộ Tư pháp UAE đã đạt được "những bước tiến quan trọng" trong mối quan hệ hợp tác với các đối tác tư pháp, trong đó có các thỏa thuận dẫn độ gần đây với Hà Lan và Bỉ.
Người phát ngôn này cho biết UAE cũng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Anh về kiểm tra tài chính bất hợp pháp.
Trong khi đó, các ngành như kinh doanh vàng và bất động sản - vốn dễ bị lạm dụng tài chính - cũng đã được đưa vào hệ thống báo cáo chống rửa tiền do chính quyền quốc gia này quản lý vào năm 2021.
Từ chối bình luận về các trường hợp rửa tiền cụ thể, người phát ngôn UAE cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác sâu hơn với các đối tác quốc tế. UAE cam kết làm sáng tỏ các mối đe dọa tiền bẩn quốc tế và bắt giữ tội phạm, cũng như tịch thu các nguồn tiền bất hợp pháp.
Theo ông Jodi Vittori, giáo sư tại Đại học Georgetown (Mỹ), Dubai vẫn sẽ cho phép hầu hết những người giàu có sống lưu vong mà không sợ bị dẫn độ miễn là họ không vi phạm luật pháp địa phương, bởi vì chính quyền thành phố xem họ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế.
Theo Công ty nghiên cứu tài chính toàn cầu Reidin.com, trong năm 2021, khoảng 2/3 trong số 35 tỉ USD giao dịch mua nhà ở Dubai là bằng tiền mặt. Người mua đến từ các quốc gia như Nga, Iran, Anh và Ấn Độ. Giới nhà giàu này đã mua từ biệt thự bên bãi biển cho đến toàn bộ khu căn hộ cao cấp.
Theo đánh giá mới nhất về Chỉ số bí mật tài chính của Tax Justice Network (Mạng lưới Tư pháp Thuế có trụ sở tại London), UAE thuộc top 10 về bí mật tài chính.