Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng dần đến quý II/2022

2 năm trước 228
Chú thích ảnhLãnh đạo thành phố Hà Nội tặng quà, lì xì cho lao động về quê ăn Tết. Ảnh: NC

Năm 2021, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân, nên mức độ thiếu hụt lao động cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022 không đáng kể.

Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, việc thiếu hụt lao động sẽ bớt căng thẳng khi các doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái bình thường mới.

Trước dịp Tết, các doanh nghiệp và các cấp công đoàn đã thực hiện tốt việc hỗ trợ các chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết và sẽ đón công nhân trở lại làm việc khi hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Đồng thời, các đơn vị đã chăm lo tốt cho những công nhân, lao động ở lại không về quê.

Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, việc sớm có hệ thống dữ liệu đầy đủ về thị trường lao động đang là vấn đề cấp thiết. Khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, việc nhiều lao động rời thành phố về quê cho thấy thông tin về thị thường lao động rất thiếu và không có sự liên kết.

Thực tế, các địa phương đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc. Tuy nhiên, việc kết nối dữ liệu mới ở cấp độ cục bộ địa phương, chưa có tính thống nhất. Vai trò kết nối cấp Trung ương, cụ thể là Cục Việc làm rất yếu và thiếu.

Trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành cuối năm 2021 đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc, như: Hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời...

 

Nguồn bài viết