Đây là dịch vụ được sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, gồm: Sở Giao thông vận tải và Sở Y tế.
Cụ thể, GoCar sẽ dành riêng phục vụ đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế đi và đến ba Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế; Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC). Danh sách hệ thống bệnh viện, đơn vị phục vụ có thể mở rộng thêm theo hướng dẫn và chỉ định của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.
Những người dùng đầu tiên của GoCar sẽ được tiếp cận với dòng sản phẩm cao cấp GoCar Protect, mang nhiều tính năng an toàn và vệ sinh được tăng cường. Điển hình, tất cả xe ô tô của dòng GoCar Protect đều được trang bị máy lọc không khí SHARP, thiết kế đặc biệt và công nghệ Plasmacluster ion, nhằm vô hiệu hóa virus trong không khí.
Ngoài ra, mạng lưới xe này đều được trang bị dung dịch diệt khuẩn và tấm chắn bảo vệ ngăn giữa tài xế với hành khách, giúp ngăn chặn sự lây lan của virus. Đối tác tài xế phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh và sức khỏe của Gojek, gồm: xét nghiệm PCR âm tính trước khi khởi hành chuyến đầu tiên và định kỳ hàng tuần; trang bị bảo hộ y tế phòng dịch; tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế...
Nhằm đảm bảo nguyên tắc “1 cung đường 2 điểm đến", an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, theo đề xuất của Sở Giao thông vận Tải, Gojek đã tổ chức cho đối tác tài xế tập trung lưu trú tại hệ thống khách sạn từ nay đến cuối tháng 9/2021 - thời điểm chương trình kết thúc.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi lại của lực lượng y tế tại TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn này là rất lớn, nhất là khi thành phố đang huy động mọi nguồn lực y tế tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của Gojek trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại thiết yếu của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế, giúp họ yên tâm chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe cho người dân; đồng thời, hy vọng sáng kiến này của Gojek sẽ truyền cảm hứng cho những tổ chức, đơn vị doanh nghiệp khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chung tay với chính quyền trong nỗ lực hỗ trợ cộng đồng.
Còn ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam cho hay, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và quy định về giãn cách xã hội được áp dụng, Gojek đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch tập trung vào phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu. Gojek cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện cho đối tác tài xế được hoạt động và đáp ứng phần nào nhu cầu đi lại của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế.
Là một trong những đối tác tài xế của ứng dụng gọi xe công nghệ, anh Vũ Mạnh Tùng, cư ngụ tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, rất vinh dự được tham gia vào “Biệt đội GoCar - Xông pha chống dịch” để phục vụ nhu cầu của lực lượng tuyến đầu. Gojek đã đặt ra tiêu chuẩn rất cao về vệ sinh và an toàn trong ngành gọi xe công nghệ, hướng đến bảo vệ cả tài xế lẫn hành khách. Dịch vụ này cũng mang lại cơ hội cho đối tác tài xế của Gojek góp phần đồng hành cùng chính quyền TP Hồ Chí Minh và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19.
Tương tự, trong tháng 8/2021 này, Be Group cũng đã công bố Chiến dịch “Thành phố gọi, Be sẵn sàng” nhằm phối hợp với cơ quan chức năng, chung tay với cộng đồng trong phòng chống dịch và chăm lo đời sống người dân. Cụ thể, Be Group đồng hành cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tiếp nhận và xử lý thông tin yêu cầu hỗ trợ của người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Dựa trên danh sách các cuộc gọi nhỡ đến tổng đài 1022 (nhánh 2) do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cung cấp, nhân viên tổng đài Be sẽ chủ động liên lạc lại từng trường hợp, xác nhận các thông tin cần thiết, với nỗ lực không bỏ sót người gặp khó. Những cuộc gọi ra này được thực hiện thông qua đầu số 028 7100 6869, trong các khung giờ từ 8 giờ - 11 giờ 30 và từ 14 giờ - 19 giờ mỗi ngày.
Các thông tin được người dân cung cấp thông qua cuộc gọi xác nhận do tổng đài viên của Be Group thực hiện sẽ được chuyển hoàn toàn cho Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh thực hiện tổng hợp và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý, hỗ trợ người dân. Hơn thế nữa, đội ngũ tổng đài viên và nhân viên của Be luôn sẵn sàng làm việc 24/24h, với lực lượng chiếm đến 80% nguồn lực nhân sự của Be hiện tại.
Nếu hoạt động hết công suất, mỗi ngày Be có thể xử lý lên đến vài ngàn cuộc gọi qua tổng đài, cũng như hàng ngàn yêu cầu đổ về qua ứng dụng. Đặc biệt, chuyên viên của Be Group tham gia Chiến dịch “Thành phố gọi, Be sẵn sàng” là những người được đào tạo chuyên môn, có kỹ năng, đảm bảo tuân thủ các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân và thông tin do người dân cung cấp trong quá trình tác nghiệp, liên hệ xác minh thông tin.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Mai Thy, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức cho rằng, Be trở thành kênh tiếp nhận, xác nhận thông tin các trường hợp cần hỗ trợ về nhu yếu phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh góp phần mang lại nhiều sự giúp đỡ thiết thực đến người dân. Việc này cũng tăng cường ngày càng nhiều kênh hỗ trợ đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
"Đáng chú ý, Be ra mắt tính năng “Cần hỗ trợ” trên ứng dụng của mình để tiếp nhận thông tin những trường hợp khó khăn, cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Theo đó, trên màn hình chính của ứng dụng Be, khi bấm vào nút “Cần hỗ trợ”, ứng dụng sẽ chuyển đến bản đăng ký thông tin dành cho người dân, gồm: họ tên, số điện thoại liên lạc, số người trong gia đình, các nhu cầu cần hỗ trợ, quận huyện đang sinh sống. Người dân có thể tự đăng ký nhận hỗ trợ cho bản thân, gia đình, hoặc đăng ký cho các hoàn cảnh khó khăn khác" - chị Mai Thy cho biết thêm.
Ghi nhận thực tế tại TP Hồ Chí Minh, nhiều thương hiệu ứng dụng gọi xe công nghệ, vận chuyển, giao nhận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như Gojek, Be, Grab, Now... đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 cho đối tác tài xế theo tiến độ của thành phố. Trong khi đó, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã cho phép nhóm đối tượng được lưu thông vận chuyển hàng hóa thiết yếu, gồm: đội ngũ người giao hàng (shipper), có quản lý ứng dụng công nghệ lưu thông, vận chuyển liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức và đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của thành phố.