Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, với tốc độ phát triển như hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, thì các khu công nghệ cao (CNC) là cấu phần không thể thiếu đối với phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để các khu CNC phát triển được, không chỉ từ sự quan tâm của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) mà cần đặt sự quan tâm trong tổng thể phát triển các khu công nghiệp nói chung gắn với mô hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVNTừ thực tế phát triển các khu CNC vừa qua, Bộ KH&CN nhận thấy cần có sự nhìn nhận lại những vấn đề đang vướng mắc cần tháo gỡ từ địa phương, kiến nghị từ các bộ, ban, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống cơ sở chính sách pháp luật cũng như những ưu đãi đầu tư vào các khu CNC. Đặc biệt yêu cầu từ thực tiễn về việc sửa đổi bổ sung Luật CNC (năm 2008).
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, mặc dù sự ra đời của Luật Công nghệ cao năm 2008 đã thể chế hóa các chính sách lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở nước ta, trong đó việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ cao được tập trung chủ yếu thông qua một số nhiệm vụ chủ chốt, trong đó có tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các khu CNC, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp lớn về công nghệ cao trên thế giới, đảm đương vai trò đầu tàu về phát triển công nghệ cao, tạo hiệu ứng lan toả… Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều ưu đãi dành cho công nghệ cao không còn phù hợp.
Theo ông Lưu Hoàng Long, Trưởng ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc cho rằng, cần tăng cường liên kết với các khu CNC và các tổ chức R&D mạnh có liên quan (trường đại học, viện nghiên cứu), đẩy mạnh thu hút đầu tư R&D từ bên ngoài, thu hút nhân tài trong KH&CN đến làm việc tại Khu, có tính đến các startup từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo ông Long, chính sách hạ tầng phù hợp, song song là hệ thống Chính sách của Nhà nước hỗ trợ các nhiệm vụ trên. Chính phủ cũng cần có chính sách đón đầu các ngành công nghiệp mới, đầu tư từ sớm để làm chủ từng phần trong đó vai trò của khu CNC là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Đại diện Ban quản lý Khu CNC Đà Nẵng kiến nghị, cần xây dựng Khung mô hình quản lý các khu công nghệ cao quốc gia.
Chẳng hạn, quy định Ban Quản lý là cơ quan chuyên môn đối với các hoạt động quản lý nhà nước chính, đặc biệt là hoạt động quản lý nhà nước đặc thù về KH&CN và đổi mới sáng tạo. Trong đó, xác định rõ việc phân cấp, uỷ quyền, phối hợp và các điều kiện, nguồn lực kèm theo, là cơ sở để xây dựng mô hình quản lý phù hợp với thực tiễn phát triển đồng thời đảm bảo mối quan hệ trong công tác quản lý nhà nước với các cơ quan chuyên môn.
Tiếp đó là quy định khung bộ máy tổ chức, số lượng biên chế hành chính nhà nước để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nội dung theo mô hình quản lý nhà nước các khu CNC. Do các mô hình quản lý các khu CNC đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa thực hiện các chính sách tái sắp xếp, tinh giảm biên chế mà cần phải ưu tiên bố trí thêm biên chế để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đặc thù nếu cần thiết.
Cuối cùng là cần xác định địa vị pháp lý của các Ban Quản lý nhằm đảm bảo công tác phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước và việc xây dựng và phát triển các khu CNC. Trước mắt, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về Khu CNC, trong đó xác định khung mô hình quản lý nhà nước và cơ chế phân cấp, uỷ quyền hoạt động quản lý nhà nước dưới sự giám sát của Bộ chủ quản, từng bước tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện mô hình quản lý, tạo đà phát triển các Khu CNC trên cả nước.
Về dài hạn, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị định nêu trên để phát triển các Khu CNC, kiến nghị Chính phủ xem xét đề xuất Quốc hội xây dựng một Luật riêng về Khu CNC, trong đó có nội dung điều chỉnh mô mình quản lý, phân quyền, phân cấp uỷ quyền đối với Ban Quản lý.