​Nhiều địa phương điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

3 năm trước 243
Chú thích ảnhTrung tâm y tế huyện Yên Thế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh Trường Trung học Cơ sở Hương Vĩ (Yên Thế). Ảnh: TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương vừa quyết định về việc thiết lập vùng phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ huyện Yên Thế.

Theo đó, huyện Yên Thế bị thiết lập vùng phong tỏa, cách ly toàn bộ để thực hiện các biện pháp cần thiết phòng, chống dịch COVID-19 từ 18 giờ ngày 6/11. Người dân được yêu cầu thực hiện cách ly xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã; ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, cấp cứu hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất (nếu được chính quyền cho phép). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, không dừng hoạt động. Người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng, sau 21 giờ không ra khỏi nhà.
 
* Ngày 6/11, UBND tỉnh Hưng Yên ra Thông cáo báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.  
 
Những ngày vừa qua, tại một số địa phương và thành phố Hưng Yên có hiện tượng lan tỏa thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh, một số người dân có biểu hiện hoang mang, thu gom tích trữ lương thực, thực phẩm, dẫn đến hoạt động tập trung đông người và bất ổn trên địa bàn.

Trước tình hình trên, tỉnh Hưng Yên giao Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và các cơ quan báo đài, các địa phương kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn để nhân dân nắm được và nghiêm túc, tự giác chấp hành; phối hợp với Công an tỉnh phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp đưa tin không chính xác, thông tin sai lệch về dịch bệnh.

Tỉnh Hưng Yên yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; không chủ quan, lơ là; đồng thời không hoang mang, bình tĩnh trong tiếp nhận thông tin, xác nhận độ chính xác của nguồn tin, không chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng và các thông tin không chính xác.

Cùng đó, ngành y tế phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương truy vết, sàng lọc F0 và các trường hợp liên quan, tổ chức phong tỏa, cách ly, điều trị hiệu quả, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe nhân dân; tăng cường năng lực của các cơ sở cách ly, cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành tiêm vaccine cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Từ ngày 3 đến ngày 6/11, tỉnh Hưng Yên ghi nhận 65 ca bệnh tại các điểm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, phường An Tảo (thành phố Hưng Yên), thị xã Mỹ Hào và các huyện Văn Lâm, Kim Động, Ân Thi, Khoái Châu, Yên Mỹ, Tiên Lữ. Nguồn lây do người đến từ vùng có dịch ở tỉnh ngoài và lái xe đường dài về Hưng Yên.

* Tối 6/11, Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Từ 18 giờ ngày 5/11 đến 18 giờ ngày 6/11, Hà Tĩnh có thêm 18 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Chú thích ảnhLực lượng y tế truy vết F1, F2 tại các trường học. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Cụ thể, thành phố Hà Tĩnh có 4 trường hợp, huyện Can Lộc có 1 trường hợp, huyện Kỳ Anh có 3 trường hợp, thị xã Kỳ Anh có 5 trường hợp. Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát Hà Tĩnh đã phối hợp với lực lượng chức năng các địa phương tiến hành điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, đồng thời triển khai khẩn cấp biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện thủ tục cần thiết để đưa bệnh nhân đi cách ly, điều trị.

Tại thành phố Hà Tĩnh, sau khi xuất hiện chùm ca bệnh liên quan đến quán nướng Boon BBQ với tốc độ lây nhiễm nhanh, đối tượng bị lây nhiễm là học sinh còn nhỏ tuổi, lực lượng chức năng thành phố đã khẩn trương lấy 8.565 mẫu để xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho các trường hợp F1 và các trường hợp nguy cơ cao.

Tại thị xã Kỳ Anh, lực lượng chức năng đã tiến hành thiết lập chốt kiểm soát phòng dịch phía Bắc thị xã; tiến hành phong tỏa 6 khu vực thuộc 3 xã, phường liên đến các ca bệnh.

Huyện Kỳ Anh và huyện Can Lộc cũng đã siết chặt các quy định phòng, chống dịch sau khi xuất hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và khẩn trương truy vết F1, F2, kịp thời khoanh vùng các ổ dịch.

Như vậy, tính từ ngày 4/6 đến nay Hà Tĩnh có 567 ca mắc COVID-19, chỉ tính riêng từ ngày 4/11 đến nay, địa phương ghi nhận 25 ca  trong cộng đồng.

* Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định điều chỉnh một số biện pháp, phòng chống dịch từ 0 giờ ngày 7/11 để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan; chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh và bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của người dân.

Theo đó, các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người phải tạm dừng khi không cần thiết, trường hợp thực sự cấp thiết phải tổ chức thì do người đứng đầu đơn vị, địa phương quyết định và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của tỉnh; chỉ được bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong hội trường, phòng họp và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch như: thực hiện giãn cách tối thiểu 1 mét, đeo khẩu trang, khử khuẩn, quét mã QR code.

Các nhà hàng, quán ăn, trạm dừng, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm, điểm rửa xe dọc tuyến Quốc lộ 1A (hầm Hải Vân - cầu vượt Thuỷ Phù tại Km 842 - đường tránh Huế - vòng xuyến vào phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà - địa giới tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Trị) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, xông hơi, cơ sở thẩm mỹ/spa, game online, rạp chiếu phim, Pub beer cũng như các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; các giải thi đấu thể thao phải tạm dừng hoạt động

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán cafe...); tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng; thể dục, thể thao trong nhà và sinh hoạt tôn giáo được hoạt động nhưng không quá 50% công suất và phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, quét mã QR code... Riêng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; hoạt động tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng và hoạt động sinh hoạt tôn giáo không được phục vụ, tổ chức quá 50 người.

Hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời được hoạt động nhưng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và quét mã QR code. Không tổ chức tham quan, hoạt động trong nhà đối với các di tích lịch sử, văn hóa; các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh.

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề được duy trì việc dạy học trực tiếp. Đối với những địa bàn có yếu tố dịch tễ nguy cơ cao hoặc các trường học có F0 thì  cần xem xét các yếu tố dịch tễ, tổ chức kết hợp dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến và cho học sinh đến trường ngay khi đã tầm soát, bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch.

Ngoài ra, hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.
 
Từ ngày 27/10 đến 18 giờ ngày 6/11, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 258 ca mắc COVID-19, trong đó, 88 ca liên quan đến các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Đặc biệt, trong ngày 6/11, đã có 22 ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng. Tỉnh có tổng cộng 1.316 ca F0; trong đó, 368 ca đang được điều trị, 944 ca đã được điều trị khỏi và có 4 ca tử vong.

Nguồn bài viết