Ông Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "Vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và nguồn lực đất nước đầu tư cho vùng này" - Ảnh: T.TRUNG
Chiều 26-7, Ban chỉ đạo tổng kết nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (Ban chỉ đạo nghị quyết 54) và Tỉnh ủy Nam Định đã tổ chức hội thảo phát triển hạ tầng và kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo Ban chỉ đạo nghị quyết 54, hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện để Ban Chỉ đạo trung ương lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo nghị quyết mới sửa đổi nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đã được ban hành cách đây 17 năm. Theo chương trình, dự thảo nghị định mới sẽ được trình Bộ Chính trị vào tháng 10 tới.
Về vấn đề hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Danh Huy, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), nhấn mạnh kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế biển là lĩnh vực rất quan trọng đối với vùng. Đến nay, nhiều chỉ tiêu về phát triển hạ tầng đã vượt rất xa so với mục tiêu nghị quyết 54 yêu cầu.
Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng có 8 tuyến đường cao tốc với 500km, 4 cảng biển lớn ở Hải Phòng và Quảng Ninh và 3 sân bay quốc tế (Nội Bài - Hà Nội; Cát Bi - Hải Phòng; Vân Đồn - Quảng Ninh).
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đánh giá vùng kinh tế với 11 địa phương đóng góp quan trọng vào quy mô GDP của cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn của toàn vùng đến năm 2021 đạt 2,571 triệu tỉ đồng, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2021 đạt 8,7%/năm, gấp 1,6 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Trong đó, một số tỉnh thành có mức tăng trưởng 2 con số như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam.
Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định tốc độ phát triển của vùng là chưa xứng với tiềm năng và lợi thế cũng như nguồn lực mà ngân sách đầu tư cho vùng này. Mặt khác, sự phát triển không đồng đều của vùng khi một số tỉnh thành như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng đã và đang bứt phá rất mạnh mẽ. Còn Thái Bình, Nam Định thì tụt lại, phát triển rất chậm.
"Sự phát triển chênh lệch giữa các địa phương trong vùng cho thấy tính liên kết vùng không có nhiều. Nút thắt có lẽ là do thể chế?", ông Trần Đình Thiên đặt vấn đề.
Về giải pháp phát triển đột phá cho kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng, ông Nguyễn Duy Hưng - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho rằng cần phải tạo được sự đồng bộ, liên hệ hạ tầng giao thông giữa các địa phương trong vùng. Như vậy mới tạo tiền đề cho đầu tư, thu hút đầu tư và phát triển, đặc biệt là kết nối các đô thị và xây dựng các đô thị hiện đại, đô thị thông minh như ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Về liên kết vùng, ông Cấn Văn Lực lưu ý nên làm rõ liên kết trong từng lĩnh vực như giao thông vận tải, giáo dục, du lịch… Cuối cùng, muốn liên kết vùng thành công, ông Lực đề nghị cần thiết thí điểm lập ban chỉ đạo điều phối vùng để khắc phục tình trạng tỉnh này không nói được tỉnh kia.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh; rộng hơn 21.260km2.