Nhiều ý kiến đề xuất tăng quyền lợi bảo hiểm xã hội cho nữ lao động

7 tháng trước 65
Chú thích ảnhPGS, TS Nguyễn Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát biểu. 

Tổng quan về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ và trên cơ sở Luật Bình đẳng giới (2006), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc lồng ghép giới trong Dự thảo Luật chưa làm hết trách nhiệm về bảo đảm quyền tham gia bình đẳng chính sách bảo hiểm xã hội và đưa ra các giải pháp xử lý các rào cản về giới đối với người lao động nữ.

Dự thảo Luật còn nhiều điểm vướng mắc như: việc cải cách chưa triệt để, đồng bộ, khiến nhiều nhóm lao động nữ có số lượng đông, nhất là nữ lao động giúp việc gia đình vẫn chưa được quy định là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lan Hương cho rằng, việc sử dụng thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm điều kiện để xây dựng các chính sách hưởng gây bất lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ khi thực hiện các quyền lợi về ốm đau và thai sản, vì họ có thời gian làm việc hưởng lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn hơn nam giới. Bên cạnh đó, công tác thống kê và báo cáo về bảo hiểm xã hội chưa có qui định về phân tích số liệu theo giới tính, gây khó khăn trong việc nắm bắt tình hình về giới trong bảo hiểm xã hội.

Chú thích ảnhBà Đỗ Hồng Vân, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu.

Bà Nguyễn Lan Hương cũng góp ý cụ thể từng điều khoản, đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ nữ tham gia cũng như tăng tính hấp dẫn của loại hình này. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng, bởi hành vi này ảnh hưởng đến việc thực thi quyền về bảo hiểm xã hội đối với người lao động, đặc biệt là lao động nữ; đề nghị sửa đổi, bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội bắt buộc…

Cùng quan điểm, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, Công đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, chế độ thai sản đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là “quá khắt khe”. Quy định chế độ đi khám thai đối với phụ nữ có thai là 5 tháng là quá ít, cần phải bảo đảm khám thai cho cả thai kỳ, ít nhất là 9 lần. Ngoài ra, cần bổ sung thời gian nghỉ thai sản cho lao động nam (7 ngày), là một biện pháp góp phần vào bình đẳng giới; các biện pháp bảo vệ phụ nữ khi mang thai (theo qui định của Luật lao động) cũng cần phải dựa trên đặc điểm và nhu cầu của phụ nữ khi mang thai; cần tăng cường các qui định về chi trả thai sản liên quan đến bảo hiểm y tế, vốn là giải pháp hỗ trợ duy nhất đối với lao động nữ phi chính thức…

Chú thích ảnhĐại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. 

Các đại biểu cũng đề xuất lao động nữ sinh con được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương tối thiểu vùng; bổ sung quy định về tiếp tục hưởng lương hưu đối với người tiếp tục ủy quyền; không giới hạn số lượng thân nhân được hưởng tiền trợ cấp tuất. Nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ về chế độ thai sản đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng tự nguyện; góp ý về chế độ thai sản dành cho đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện; chế độ chăm sóc con ốm, thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ…

Để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, nhất là nữ giới, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị tăng cường quyền lợi cho người lao động khi hưởng chính sách hưu trí, các chế độ hưởng ốm đau, nghỉ dưỡng, thai sản, bệnh nan y, giảm số tiền chi trả. Dự thảo Luật cần quan tâm chính sách cho người lao động về nhà ở xã hội, xây dựng viện dưỡng lão cho người lao động nghỉ hưu khó khăn, đơn thân; bổ sung thêm chính sách chế độ hỗ trợ cho con người lao động…

Ông Trần Văn Triều cho rằng, việc tăng quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người tham gia không chỉ hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần mà cũng là cách giữ họ ở lại hệ thống an sinh.

Chú thích ảnhÔng Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. Do vậy, các ý kiến góp ý tâm huyết, giá trị từ thực tiễn công tác, nghiên cứu mang tính gợi ý sâu sắc, thiết thực, sẽ giúp Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội hoàn thiện hơn nữa khi tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ.

Ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao các ý kiến, góp ý, đề xuất bám sát tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách xã hội; xây dựng luật theo hướng hiện đại, tiến bộ, tránh lạc hậu… để bảo vệ quyền, lợi ích người lao động, nhất là lao động nữ. Bên cạnh đó, nhiều kiến nghị, đề xuất các quy định không chỉ đảm bảo tính khả thi mà còn đảm bảo bình đẳng giới, thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ…

Nguồn bài viết