Nhiều tình huống nạn nhân của tội phạm mua bán người cần hỗ trợ

2 tháng trước 35
Chú thích ảnhQuang cảnh hội nghị. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng làm rõ những điểm mới tại các dự thảo luật, đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi 2 luật để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Về Luật Phòng, chống mua bán người, các đại biểu đều đồng tình cao với việc đề xuất ban soạn thảo bổ sung nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai; nên rà soát lại bố cục nội dung và quy định thêm 1 điều về “Các hành vi mua bán người” để thống nhất với các nội dung khác.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương đề nghị, bổ sung quy định về quyền trẻ em được sinh ra trong quá trình mẹ bị mua bán ra nước ngoài, vì thực tế có rất nhiều trường hợp phụ nữ là nạn nhân mua bán người sinh con ở nước ngoài, nhưng khi được giải cứu trở về Việt Nam thì không thể đưa con về nước. Đề nghị bổ sung quy định giải quyết đối với người không quốc tịch là nạn nhân mua bán người; bổ sung chế độ hỗ trợ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người không quốc tịch.

Ở điều 3, các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị xem xét, bổ sung thêm một số hành vi như: Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dụng, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Điều 28, tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu, đề nghị mở rộng phạm vi đơn vị tiếp nhận, đảm bảo tính linh hoạt và xử lý tình huống kịp thời: Các Trung tâm trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân để được hỗ trợ chuyên biệt, kịp thời.

Thực tế có nhiều trường hợp nạn nhân là công dân Việt Nam nhưng mất hết giấy tờ hoặc không có giấy tờ xác định được mình là công dân Việt Nam do bị mua bán từ nhỏ, không có giấy tờ nhân thân để khẳng định mình là công dân Việt Nam thì chưa được điều chỉnh trong luật. Do vậy đề nghị xem xét, bổ sung thêm các tình huống này.

Chú thích ảnhBà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương đề nghị bổ sung cụm từ “đặc biệt là nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái”; bổ sung việc tuyên truyền về kết hôn có yếu tố nước ngoài. Liên quan đến điều 20, về trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đề nghị bổ sung 1 nội dung là vận hành cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Ban soạn thảo nên làm rõ việc hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân, rà soát và xem xét hỗ trợ phiên dịch (với nạn nhân là người nước ngoài) thay vì hỗ trợ chi phí phiên dịch, tránh tạo áp lực và gánh nặng cho nạn nhân. Về trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí, cần làm rõ hơn về trách nhiệm của từng cơ quan cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích của từng đơn vị.

Về Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, các ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng là hộ gia đình; xem xét quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với chung cư mi ni, nhà trọ, khách sạn nhỏ; các quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy của nhà ở kết hợp kinh doanh; kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy ở cấp địa phương; bổ sung vị trí, quy mô, diện tích trụ sở phòng cháy, chữa cháy trong khu vực lập quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Góp ý về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục ở các nhà trường, nếu yêu cầu vào chương trình dạy học thì sẽ có những bất cập, vì thế, để phù hợp với thực tiễn, nên thay bằng quy định đưa vào các hoạt động dạy học.

Đánh giá cao các ý kiến góp ý, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đây là 2 dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến. Đoàn sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu, tổng hợp và có ý kiến chuyển tải đến kỳ họp 8 sắp tới.

Nguồn bài viết