Điểm bán của VinMart+ trên đường Thanh Bình được phong tỏa, tạm dừng hoạt động dù không có trong danh sách 23 điểm bán đã công bố - Ảnh: NK
Tối 2-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã thông tin cụ thể về 52 địa điểm có F0 là nhân viên giao hàng của Công ty Thanh Nga (địa chỉ 82 ngõ 851 Minh Khai, Thanh Lương) trong thời gian từ ngày 27-7 đến 30-7.
Trước thông tin trên, ông Khúc Tiến Hà - giám đốc vận hành VinMart miền Bắc - cho biết công ty đã phối hợp cơ quan y tế địa phương tiến hành truy vết các F, cách ly y tế theo quy định, phun khử khuẩn cửa hàng, siêu thị và tạm đóng cửa cửa hàng, siêu thị để cách ly các F liên quan, thay thế nhân viên để đảm bảo an toàn cho khách hàng, cán bộ nhân viên.
Liên quan tới các ca nhiễm COVID-19 ở Công ty Thanh Nga, chiều 2-8, thêm 14 siêu thị, cửa hàng tiện lợi VinMart, VinMart+ phải đóng cửa, nâng tổng số điểm bán của VinCommerce liên quan các ca nhiễm của nhà cung cấp thực phẩm Thanh Nga lên 37, tính từ ngày 1-8.
Đại diện VinCommerce (chủ sở hữu chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+) cho biết, Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga là nhà cung cấp thịt cho một số siêu thị, cửa hàng của VinCommerce tại Hà Nội.
Đến chiều 2-8, xác định có 8 siêu thị VinMart, 15 cửa hàng tiện ích VinMart+ phải rà soát y tế do liên quan tới các ca F0 của Công ty Thanh Nga, trong đó 8 siêu thị VinMart tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàng Mai và Long Biên.
Còn 15 cửa hàng VinMart +, gồm 8 cửa hàng tại Hà Nội, tập trung tại quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. 7 cửa hàng VinMart+ còn lại tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Ngày 2-8, trả lời Tuổi Trẻ Online, đại diện Bộ Công thương cho hay trước tình hình hàng loạt các siêu thị và chợ đầu mối, chợ truyền thống ở Hà Nội phải tạm dừng hoạt động do phát hiện các ca nhiễm ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa, Bộ đã trao đổi với Sở Công thương TP Hà Nội để nắm tình hình và có giải pháp phù hợp.
Theo đó, thông tin từ Sở Công thương cho hay đã có chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối và có các phương án bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa trong các tình huống. Hiện các nhà phân phối đã chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế, nên nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên toàn thành phố vẫn được đảm bảo.
Tại các chợ truyền thống, nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá hàng hóa không có biến động bất thường. Tuy vậy, một số loại thực phẩm tươi sống giá có tăng nhẹ trong vài ngày vừa qua do chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu tăng do người dân chỉ được đi chợ 2-3 lần/tuần theo phiếu đi chợ đã được phát nên mỗi người thường mua số lượng thức ăn nhiều cho vài ngày.
"Nhìn chung, năng lực cung ứng hàng hóa tại các chợ vẫn được duy trì tốt, người dân vẫn dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng" - Bộ Công thương khẳng định các đơn vị cũng đẩy mạnh bán hàng online với lượng cung ứng cho người dân tăng từ 2-5 lần so với những ngày trước đó.
Hiện Sở Công thương Hà Nội đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thủ đô trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.