Nhiều nước tiêm liều thứ 3, lo nguồn cung vắc xin COVID-19 bị hụt

3 năm trước 270
Nhiều nước tiêm liều thứ 3, lo nguồn cung vắc xin COVID-19 bị hụt - Ảnh 1.

Một người Israel được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba tại trung tâm y tế ở thành cổ Jerusalem ngày 11-8 - Ảnh: REUTERS

Mới nhất, Mỹ cho phép tiêm liều bổ sung cho những người suy giảm miễn dịch, trong khi Anh, Pháp và Đức có kế hoạch tiêm liều thứ ba cho người cao tuổi và người dễ tổn thương trước COVID-19 vào đầu tháng 9 này.

Giảm nguồn cung vắc xin

Theo trang web của GAVI, nghiên cứu về liều bổ sung vẫn là một phần thiết yếu trong việc ứng phó đại dịch. Khi khả năng bảo vệ của vắc xin bắt đầu giảm bớt, hoặc xuất hiện những biến thể mới có khả năng kháng vắc xin, liều bổ sung sẽ giúp tăng cường bảo vệ.

Tuy nhiên, theo GAVI, nếu một số nước giàu bắt đầu tiêm liều bổ sung từ bây giờ, chắc chắn nhiều nước khác sẽ làm theo và điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn cung vắc xin toàn cầu.

Cho dù liều bổ sung là những vắc xin hiện có hay là các phiên bản mới nhắm đến các biến thể, hệ quả vẫn là như nhau. Tức là đều sẽ dẫn tới việc giảm bớt số liều vắc xin COVID-19 cần được phân phối đến phần còn lại của thế giới.

Cơ chế COVAX đang chật vật tìm nguồn cung vắc xin trong những tháng gần đây. Chương trình tiêm chủng của nhiều nước đang phải tạm dừng vì không được phân phối thêm liều nào nữa cho tới cuối năm nay.

Từ đầu tháng 8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước hoãn tiêm liều thứ ba ít nhất tới cuối tháng 9 để đảm bảo mọi quốc gia tiêm được tối thiểu 10% dân số.

Hiện nay, khoảng 50% người dân ở các nước có thu nhập cao đã được tiêm đầy đủ vắc xin. Trong khi đó, tại các nước thu nhập thấp, tỉ lệ tiêm vắc xin chỉ mới khoảng 1,5%.

Tuy nhiên, Mỹ và Đức đã bác bỏ lời kêu gọi của WHO, khẳng định họ có thể vừa tiêm liều thứ ba cho những nhóm dễ tổn thương trong nước, vừa có thể ủng hộ vắc xin cho các nước nghèo.

Đức khẳng định tới cuối năm 2021 sẽ viện trợ ít nhất 30 triệu liều vắc xin cho các nước nghèo. Trong khi đó, Mỹ hiện là nước tặng nhiều vắc xin COVID-19 nhất thế giới cho các nước.

Nước nào đã tiêm mũi tăng cường?

Theo Hãng tin Reuters, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ ngày 12-8 cho phép tiêm liều vắc xin bổ sung của Pfizer/BioNTech và Moderna cho những người suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư, ghép tạng.

Trước đó, Pháp, Đức và Anh cũng đã thông báo kế hoạch tiêm liều bổ sung cho người suy giảm miễn dịch và người cao tuổi từ tháng 9.

Trong tháng 7, Israel bắt đầu tiêm liều thứ ba cho những người suy giảm miễn dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng lại. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiêm liều thứ ba cho lực lượng y tế và người trên 50 tuổi.

Tại khu vực Đông Nam Á, theo Reuters, Indonesia đã tiêm liều bổ sung bằng vắc xin Moderna cho nhân viên y tế từ tháng 7. Từ ngày 12-8, Campuchia bắt đầu tiêm liều thứ ba cho nhân viên tuyến đầu chống dịch, trong khi Thái Lan cũng có kế hoạch tương tự.

Một số quốc gia khác như Singapore, Thụy Điển, Hàn Quốc, Thụy Sĩ... có kế hoạch tiêm nhắc vào năm 2022.

 Nên tiêm vắc xin liều bổ sung cho người dễ bị tổn thương vì COVID-19CDC Mỹ: Nên tiêm vắc xin liều bổ sung cho người dễ bị tổn thương vì COVID-19

TTO - Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đang làm việc với các hãng vắc xin Pfizer và Moderna để cho phép tiêm liều bổ sung vắc xin ngừa COVID-19 cho những người dễ bị tổn thương do dịch, như các bệnh nhân ung thư, ghép tạng.

Nguồn bài viết