Nhiều người cùng sốt, sổ mũi, ho dai dẳng, vì sao?

2 năm trước 147
Nhiều người cùng sốt, sổ mũi, ho dai dẳng, vì sao? - Ảnh 1.

Khu vực quầy khám bệnh Bệnh viện quận 12 (TP.HCM) rất đông bệnh nhân chờ đăng ký khám bệnh, trong đó có nhiều người khám vì ho, sốt, viêm mũi... kéo dài không khỏi - Ảnh: XUÂN MAI

Một số người khỏi, nhưng có nhiều người bệnh càng nặng, ho dữ dội hơn một tháng, chuyển thành viêm phế quản. Sau loại trừ bệnh sốt xuất huyết, COVID-19, nhiều người đặt câu hỏi bản thân mình và người thân đã mắc bệnh gì?

Cùng mắc triệu chứng giống nhau

Ghi nhận quầy đăng ký khám bệnh Bệnh viện quận 12 (TP.HCM) sáng 8-11 rất đông bệnh nhân ngồi chờ đợi tới lượt khám bệnh. Bên trong các phòng bệnh khám nội - ngoại khoa, tai mũi họng, bác sĩ liên tục tiếp nhận bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, khó thở...

Đang chờ tới lượt khám bệnh, bà L.T.T. (60 tuổi, ngụ quận 12) liên tục ho khan. Bà cho biết mình đang mệt, hay ho, khó ngủ, khó thở về đêm, khạc ra đờm vàng kèm tia máu đến đờm có màu hơi vàng nâu.

Những biểu hiện này xuất hiện từ một tuần trước nhưng lúc này bệnh ở mức độ nhẹ nên bà chỉ uống nước cốt tắc và tỏi ngâm mật ong. Bệnh mỗi ngày một nặng hơn nên ngày 7-11 bà ra tiệm thuốc mua thuốc về uống, có kê thuốc kháng viêm, kháng sinh.

"Cả gia đình gồm con trai, con dâu và tôi đều bị như thế, nhưng tôi thì có biểu hiện khó thở, khạc đờm kèm máu. Về đêm khó ngủ, tôi nghe nhiều người hàng xóm sát nhà cũng ho khụ khụ, rồi có nói chuyện với nhau thì biết nhiều người hàng xóm cũng bệnh như nhau.

Tôi có nghĩ đến nhiễm COVID-19 nhưng với một lần đã nhiễm nên tôi thấy biểu hiện này không giống. Nay tôi đi khám để tìm ra bệnh gì, cứ đoán rồi uống thuốc theo cảm tính làm bệnh nặng hơn", bà T. nói.

Bà T. được bác sĩ Bệnh viện quận 12 cho chụp X-quang, siêu âm máu, kết quả kết luận bà bị viêm phế quản, kèm đau dạ dày. Bác sĩ kê toa thuốc cho bà T. về nhà uống và hẹn tái khám sau một tuần.

Cạnh bên, chị N.T.L. (32 tuổi, ngụ quận 12) dựa người vào chồng để chờ lượt đến khám bệnh. Chồng chị L. cho biết vợ anh đang sốt cao nên rất mệt mỏi, không thể tự đi nên anh xin nghỉ làm một buổi đưa vợ đi khám. Cũng như vợ, anh cũng có biểu hiện sốt, hay rệu rã, ho nhưng kéo dài khoảng một tuần thì tự khỏi.

Nhiều người trẻ cũng có biểu hiện như trên. Điển hình như trường hợp chị T.A.T. (27 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) bị ho, sốt nhẹ, sổ mũi gần một tuần qua không khỏi. "Không biết vì thời tiết hay đang có dịch bệnh mới gì mà thấy rất nhiều người trong chung cư, trong công ty đều bệnh giống nhau", chị T. chia sẻ.

Các bệnh viện khác như Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng cũng rất đông người đến khám.

Người nhiễm trùng đường hô hấp gia tăng

Bác sĩ Nguyễn Duy Cường - phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM - cho hay số lượt bệnh nhân đến điều trị tại khoa vì mắc các bệnh đường hô hấp trên tăng 10% so với tháng trước, trong đó có nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý nền kèm theo khiến bệnh trầm trọng hơn.

"Có bệnh nhân lớn tuổi nhập viện vì sốt, ho rồi làm bùng phát bệnh nền, khiến bệnh trầm trọng hơn, kéo dài thời gian điều trị", bác sĩ Cường nói.

PGS Trần Văn Ngọc - chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM - cho biết những tuần gần đây trong cộng đồng ghi nhận có sự gia tăng dịch bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do siêu vi.

Nguyên nhân là thời tiết hiện nay đang chuyển từ mùa thu sang đông, độ ẩm trong không khí cao nên số lượng vi rút trong không khí sẽ gia tăng, khiến nhiều người mắc bệnh hơn.

Theo ông Ngọc, người nhiễm siêu vi đa số tự khỏi sau 7-14 ngày mắc bệnh nhưng với những người trên 65 tuổi, trẻ em, người mắc bệnh nền (hen, suy thận, đái tháo đường...) thì bệnh dễ chuyển nặng hơn với thời gian mắc bệnh kéo dài dai dẳng, có thể gây ra tình trạng bội nhiễm, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp, khó thở...

Khi có các dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi nhẹ, ông Ngọc khuyến cáo người dân chỉ cần điều trị triệu chứng, uống thuốc hạ sốt, ăn uống đầy đủ... cũng có thể tự khỏi. Người bệnh tuyệt đối không tự ý uống thuốc kháng sinh, corticoid nếu không có chỉ định của bác sĩ. Khi ho quá nhiều, sốt cao trên 39 độ C, mệt mỏi, suy nhược thì nên đến bệnh viện khám bệnh, không nên kéo dài thời gian điều trị tại nhà.

Để phòng bệnh, người dân cần ăn uống đầy đủ, duy trì tập thể dục thể thao hằng ngày để tăng sức đề kháng, đeo khẩu trang nơi đông người. Đối với người cao tuổi, có bệnh nền, bác sĩ Cường khuyên cần chú ý bảo vệ cơ thể trước thời tiết chuyển lạnh, "quản lý" bệnh lý nền tốt để tăng sức đề kháng, nếu có điều kiện nên tiêm thêm vắc xin ngừa cúm, ho gà, viêm phổi do phế cầu...

Khi số người mắc đủ lớn, bệnh sẽ lắng

"Đang gia tăng dịch bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do siêu vi. Siêu vi gồm vi rút cúm, hàng trăm loại vi rút cảm, có cả vi rút SARS-CoV-2. Chúng tồn tại lơ lửng trong không khí và lây qua giọt bắn. Khi số lượng vi rút trong không khí gia tăng sẽ tạo ra đợt dịch nhỏ hoặc lớn. Thường đợt dịch bệnh này kéo dài từ nửa tháng đến một tháng - khi độ phủ số người nhiễm đủ lớn, bệnh sẽ lắng dần", PGS Trần Văn Ngọc nói.

Chăm sóc trẻ mắc cúm A bị sốt, ho đờm, sổ mũiChăm sóc trẻ mắc cúm A bị sốt, ho đờm, sổ mũi

Cha mẹ sớm nhận biết trẻ đang mắc cúm A để có chế độ chăm sóc tốt, giảm nhẹ triệu chứng khó chịu và tránh lây cho người xung quanh.

Nguồn bài viết