Nhiều chuyên gia dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, mã chứng khoán NVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 năm nay, ghi nhận mức lỗ ròng sau thuế hơn 196 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi gần 64 tỉ đồng.
Tình hình suy giảm của quý vừa qua đã khiến kết quả kinh doanh ba quý đầu năm của ngân hàng này bị âm hơn 180 tỉ đồng, trong lúc cùng kỳ năm trước lãi gần 165 tỉ đồng.
Đáng chú ý, đa số các ngân hàng đều giữ tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%, song con số ở NCB lại tăng vọt lên 14,7%, tương đương cứ 100 đồng thì có 14,7 đồng nợ xấu.
Giải trình về kết quả kinh doanh, bà Hoàng Thu Trang - phó tổng giám đốc NCB - cho biết: "Nguyên nhân thu nhập lãi thuần giảm và chi phí dự phòng rủi ro tăng bởi ngân hàng đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại.
Đồng thời, ngân hàng cũng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19".
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán ABB) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất, với lãi ròng sau thuế chỉ đạt 69 tỉ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, tính chung cả ba quý đầu năm nay ngân hàng vẫn còn lãi hơn 1.397 tỉ đồng (+9%).
Nói về sự biến động giảm lợi nhuận trong quý vừa qua, ông Đỗ Lam Điền - phó tổng giám đốc ABB - cho biết, nguyên nhân đến từ việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng do trích lập bổ sung dự phòng để mua lại trái phiếu đặc biệt (VAMC), đồng thời thay đổi cách ghi nhận chi phí dự phòng theo thông tư mới.
"Việc tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp cho ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro trong thời gian tới", ông Lam Điền cho hay.
Thông cáo mới đây của ngân hàng cho biết một số chỉ tiêu kinh doanh của ABBank đến cuối quý 3 chưa đạt như kỳ vọng do tác động mạnh từ thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Quân - quyền tổng giám đốc ABBank - đánh giá, trong quý vừa qua ngành ngân hàng chịu áp lực, lợi nhuận biên (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm nay.
Trải qua ba quý đầu năm 2022, mặc dù tình hình khó khăn, nhưng nhiều ngân hàng khác vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng.
Điển hình như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lãi trước thuế hơn 20.800 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đến ngày cuối quý 3, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của ngân hàng này đạt 15,7%, cao so mức yêu cầu tối thiểu đạt được là 8%.
Trong khoảng thời gian trên, nhờ đa dạng dịch vụ, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng có lãi trước thuế hơn 19.800 tỉ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ an toàn vốn đạt xấp xỉ 15%.
Nhiều ngân hàng khác cũng lãi hàng ngàn tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mang về lợi nhuận tới 9.000 tỉ đồng trong ba quý đầu năm nay (+79% so với cùng kỳ năm trước), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) lãi trước thuế 7.800 tỉ đồng (+46%), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) lãi ròng trước thuế xấp xỉ 6.000 tỉ đồng (+35%)...
Bộ phận phân tích của Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn hai năm trước đó, bởi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và lợi nhuận biên chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.