Nhiều ngành sản xuất tăng trưởng trên 10%

2 năm trước 229
Nhiều ngành sản xuất tăng trưởng trên 10% - Ảnh 1.

Theo WB, giá trị xuất khẩu của ngành dệt may vẫn tăng trưởng vững chắc, tăng tốc từ 27,7% trong tháng 12-2021 lên 34,4% vào tháng 1 năm nay (so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ thị trường Hoa Kỳ - Ảnh: NGỌC HIỂN

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp giảm xuống còn 2,4% so với cùng kỳ năm trước, WB cho rằng sự giảm tốc này chủ yếu do sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học giảm 5,0% so với tốc độ tăng 15,6% trong tháng 12-2021. 

Trong khi đó, sản xuất các sản phẩm kim loại, may mặc và giày da đạt tốc độ tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo WB, hai xu hướng trái ngược trên chủ yếu được dẫn dắt bởi nhu cầu từ khu vực kinh tế đối ngoại do kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này cũng thể hiện xu hướng tương tự. 

Đồng thời, sự khác biệt về tình trạng thiếu hụt lao động trong từng ngành cũng có thể là yếu tố đóng góp vào hiện tượng trên. Cụ thể, đầu tháng 1-2022, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lao động trong các ngành may mặc và giày da đã đạt hoặc thậm chí vượt các mức trước đó một năm. 

Theo WB, điều này có thể do việc tuyển dụng và đào tạo lao động trong ngành may mặc và giày da có thể dễ dàng hơn so với ngành sản xuất linh kiện điện tử, hoặc khủng hoảng có thể đã dẫn đến việc đẩy mạnh tự động hóa trong ngành sản xuất sản phẩm điện tử, làm giảm nhu cầu lao động. 

Đồng thời, WB cho hay chỉ số PMI (quản lý thu mua) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rõ rệt từ 52,5% trong tháng 12-2021 lên 53,7%, là mức cao nhất kể từ tháng 5-2021, cho thấy điều kiện kinh doanh đã được cải thiện đáng kể.

Về thu hút FDI, Việt Nam thu hút 2,1 tỉ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo WB, mức tăng trên có được nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành điện tử và nhờ hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) sôi động. Giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tháng 1-2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 400 triệu USD, tương đương 20% tổng vốn FDI đăng ký.

Đối với vấn đề lạm phát, WB nhận định lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2022 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với tỉ lệ được ghi nhận cuối năm 2021. 

Theo WB, giá tiêu dùng tăng chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên. Giá lương thực, thực phẩm vẫn tương đổi ổn định trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý) tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Rủi ro bùng phát dịch vẫn còn

WB khuyến cáo các biện pháp y tế như chương trình tiêm vắc xin và "thông điệp 5K" cần được duy trì vì rủi ro bùng phát dịch với biến chủng COVID-19 mới ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại và Việt Nam đang mở cửa trở lại trường học cũng như có kế hoạch gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh với khách quốc tế để vực dậy ngành du lịch.

Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mới có thể được nâng cao bằng cách bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo xã hội nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ngoài ra, để đảm bảo chương trình có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, WB cho rằng công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ.

Đồng thời, quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng đã tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến sẽ thực hiện.

TP.HCM đã lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế của cả nướcTP.HCM đã lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước

TTO - TP.HCM đã lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Nguồn bài viết