Nhiều khó khăn trong phòng, chống sốt xuất huyết tại Đắk Lắk

2 năm trước 191

Sốt xuất huyết được ghi nhận ở tất cả 15/15 huyện, thị xã, thành phố với 162 ổ dịch. Số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao nhưng công tác phòng, chống dịch tại địa phương này lại tồn tại nhiều hạn chế, khiến nguy cơ dịch bùng phát mạnh hơn trong thời gian tới.

Thiếu hóa chất phòng dịch

Chú thích ảnhBệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu): Tuấn Anh/TTXVN

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk (CDC), những tháng gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến và dự báo tiếp tục tăng cao trong điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay. Đặc biệt, cả 4 tuýp sốt xuất huyết Dengue đều được ghi nhận tại Đắk Lắk. Do đó, tình hình dịch bệnh trong những tháng cuối năm sẽ diễn biến phức tạp và khó lường.

Trong bối cảnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngành Y tế lại rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng hóa chất để phun chủ động và xử lý ổ dịch. Thành phố Buôn Ma Thuột là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất với gần 500 trường hợp. Tuy nhiên, hiện kho hóa chất của địa phương này chỉ còn lại 4 lít, trong khi nhu cầu thực tế sử dụng để phun chủ động trên địa bàn thành phố là hàng trăm lít hóa chất.

Theo ông Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột, thời gian gần đây, thời tiết trên địa bàn thành phố mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi sinh sản và dự báo thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay, việc cung ứng hóa chất để phun chủ động vẫn rất khó khăn. Với lượng hóa chất còn lại, Trung tâm Y tế thành phố chỉ có thể ưu tiên sử dụng phun ở những ổ dịch nhỏ trên địa bàn. Và với lượng hóa chất hạn chế này, thành phố sẽ rất khó khăn trong phòng, chống dịch.

Ông Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, phun hóa chất chủ động đóng vai trò then chốt trong phòng, chống dịch lây lan và bùng phát. Tuy nhiên, hiện nay, hóa chất để phục vụ phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn còn lại không đáng kể. Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết đặc biệt là mua sắm hóa chất, vật tư. CDC Đắk Lắk đã thực hiện các thủ tục mua sắm. Tuy nhiên, để đảm bảo thủ tục đấu thầu theo đúng quy định sẽ mất thời gian khá dài mới có hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Hiện CDC Đắk Lắk đã đề xuất Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết. Đơn vị kiến nghị Sở Y tế có giải pháp để các Trung tâm Y tế tuyến huyện có thể tự mua sắm hóa chất nhằm chủ động trong phòng, chống dịch và giảm áp lực mua sắm hóa chất ở CDC Đắk Lắk, ông Hoàng Hải Phúc cho hay.

Nâng cao ý thức phòng, chống dịch

Bên cạnh việc thiếu hóa chất, ý thức phòng, chống sốt xuất huyết của người dân và một số địa phương chưa cao, ngay cả khi dịch đang bùng phát mạnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng, chống sốt xuất huyết “yếu” đi phần nào.

Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột Võ Minh Hùng cho biết, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng ở các xã, phường trên địa bàn thành phố cho thấy một bộ phận người dân vẫn chủ quan, lơ là với bệnh sốt xuất huyết. Ở một số địa phương, chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết liệt trong phòng, chống dịch. Do đó, hiệu quả đem lại trong phòng, chống sốt xuất huyết chưa cao, đặc biệt trong bối cảnh số ca mắc gia tăng nhanh, không đủ hóa chất để phun chủ động, ý thức của người dân và sự quyết liệt của chính quyền cần được phát huy.

Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (có 2 trẻ em). Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, một bộ phận người dân vẫn chủ quan khi mắc sốt xuất huyết và chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã chuyển nặng khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, qua khai thác tiền sử của các bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết cho thấy, người bệnh vẫn còn chủ quan khi mắc bệnh. Mặc dù đã có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết như sốt, đau đầu, đau cơ…, người bệnh vẫn tự mua thuốc điều trị theo các bệnh cảm cúm thông thường, chỉ khi bệnh chuyển nặng mới đến bệnh viện cấp cứu.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi tình hình sức khỏe, nhất là ở trẻ em. Khi thấy có các triệu chứng sốt xuất huyết hoặc sốt xuất huyết trở nặng, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và được chỉ định điều trị.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tổ chức đánh giá tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn, từ đó chủ động triển khai hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch, xử lý triệt để, không để dịch bùng phát trên địa bàn. Sở Y tế tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân; chỉ đạo các phòng khám tư nhân, tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn...

Nguồn bài viết