Ống hút từ sậy của một start-up - Ảnh: HOÀNG THI
Chiều 2-12, sự kiện kết nối đầu tư UII Demo Day 2022 đã được Viện Đổi mới sáng tạo (UII) thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cùng nền tảng kết nối đầu tư WIZIIN tổ chức.
Tại sự kiện, các start-up sẽ được kết nối với các nhà đầu tư lớn trong cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời tìm kiếm cơ hội tiếp cận trực tiếp đến các quỹ đầu tư uy tín.
Nổi bật trong UII Demo Day 2022 là nhiều dự án khởi nghiệp xanh, gắn liền với phát triển bền vững.
Điển hình là dự án Mana.st. Nhà sáng lập Đinh Thúy Phương cho biết Mana.st chuyên cung cấp sản phẩm nông nghiệp làm từ cây sậy - loài cây tưởng chừng chỉ gây ra phiền toái.
Bà Phương cho biết trước đây nông dân thường than phiền về việc cây sậy "xâm lấn" đất đai. Nhiều người đã đốt sậy để thu hoạch hoa màu, dẫn tới ô nhiễm không khí ở nhiều địa phương.
"Mana.st đã dành một năm để nghiên cứu và phát triển ống hút thiên nhiên. Mẫu ống hút của chúng tôi làm 100% từ sậy và có rác thải ròng bằng 0", bà Phương nói.
Start-up mang đến mô hình tiết kiệm nước trong sản xuất mỹ phẩm - Ảnh: HOÀNG THI
Trong khi đó, Eastern Herb Cos là công ty công nghệ sinh học, chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tối ưu nguồn nước. Mới đây, dự án đã cho ra một công nghệ táo bạo khá mới mẻ tại Việt Nam là sáp cạo râu không dùng nước.
Ông Trần Chí Thành - sáng lập dự án - cho biết nhiều năm qua, nhóm khởi nghiệp của mình đã thực hiện nhiều nghiên cứu để tìm kiếm công nghệ giảm nước trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ phẩm.
"Hiện một số loại sản phẩm của nhóm gần như không cần sử dụng nước. Đây là hướng đi tiềm năng, đặc biệt ở các nước nơi khó tiếp cận nước hoặc những quốc gia muốn tiết kiệm nước tối đa", ông Thành nói.
Một dự án nổi bật khác là AFTI Global, chuyên ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào tự động hóa sản xuất trong nông nghiệp.
Ông Phạm Việt - sáng lập dự án - chia sẻ từ năm 2019, nhóm đã nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp canh tác hiện đại trong sản xuất nông nghiệp đối với vùng thiếu nước ngọt vào mùa khô ở tỉnh Tiền Giang.
Kết quả bước đầu đạt được là rút ngắn được thời gian trồng, giảm sâu bệnh và tăng năng suất 150% so với mô hình nông nghiệp truyền thống. Đồng thời, nhóm xây dựng quy trình canh tác dựa trên tiêu chuẩn đảm bảo mục tiêu cung cấp "nông sản sạch".
Các loại nông sản của start-up - Ảnh: AFTI Global
Hiện tại, nhóm đang tiếp tục xây dựng nhiều giải pháp phù hợp hơn với đặc thù canh tác khác nhau, nhiều giống cây trồng khác nhau và tiến hành hợp tác với một số hộ nông dân triển khai mô hình liên kết thay thế nông nghiệp truyền thống.
Từ đó, sản lượng tăng gấp đôi so với sản lượng trung bình, cụ thể đạt khoảng 1,5 tấn/1.000m2 đối với nông hộ liên kết.
Theo dõi những phần trình bày của các start-up tại UII Demo Day 2022, hầu hết các nhà đầu tư đều đánh giá phần lớn dự án chứa đựng tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Ngoài các dự án khởi nghiệp xanh, sự kiện còn ghi nhận một số start-up mang tính đột phá trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ giáo dục đến chuyển đổi số.
Có thể kể đến như dự án ClassOn mang tới hệ sinh thái công nghệ toàn vẹn cho giáo dục 4.0, dự án Hapinut, start-up chế biến mì quảng khô từ Quảng Nam, YoBite công nghệ sấy khô tự động hay NIFGO - start-up phát triển board mạch lập trình IoT…