Nhiều doanh nghiệp lãi tăng vọt, đạt hàng trăm tỉ đồng nhờ bán bút, vở...

1 năm trước 123
Nhiều doanh nghiệp lãi tăng vọt, đạt hàng trăm tỉ đồng nhờ bán bút, vở... - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh văn phòng phẩm lãi đậm - Ảnh: BÔNG MAI

Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán TLG) vừa thông báo sẽ chốt quyền trả cổ tức đợt hai của năm nay vào cuối tháng 12 này. Theo đó, cứ mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông sẽ nhận về 1.500 đồng cổ tức. Thời gian chia cổ tức bắt đầu từ ngày 11-1-2023. 

Với gần 77,8 triệu cổ phiếu đang được lưu hành, ước tính doanh nghiệp sẽ chi ra khoảng 116,7 tỉ đồng trả cổ tức.

Từ một cơ sở sản xuất bút bi được thành lập vào năm 1981, đến năm 2010 Thiên Long đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM. Sau nhiều năm phát triển, các sản phẩm bút, vở, thước, giấy, tẩy, gọt bút chì, ghim bấm, màu… của doanh nghiệp này không chỉ phục vụ các khách hàng trong nước mà còn tiếp cận được thị trường quốc tế.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2022, tổng kết ba quý đầu năm nay doanh nghiệp gặt hái được gần 2.800 tỉ đồng doanh thu, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Thiên Long giữ lại tới 404 tỉ đồng lãi ròng sau thuế, không chỉ tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái, mà còn cao gần gấp đôi so với kế hoạch đề ra cho cả năm nay (208 tỉ đồng).

Lý giải nguyên nhân giúp kết quả kinh doanh tăng vượt trội, bà Trần Phương Nga - tổng giám đốc của Thiên Long - cho biết: "Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt làm cho doanh thu tăng trưởng. Đồng thời công ty tiếp tục tái cấu trúc các kênh bán hàng, gia tăng hiệu quả bán hàng, cùng với đó là việc công ty đã dự trữ được nguyên vật liệu giá thấp, dẫn đến giá thành sản xuất được tối ưu".

Tính đến cuối quý 3 năm nay, Thiên Long có khối tài sản hơn 2.755 tỉ đồng. Hiện cổ phiếu TLG đang neo ở sắc xanh với giá 53.300 đồng, tương đương tăng 24% trong vòng một tháng nay.

Ở Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam (gắn liền với thương hiệu nhà sách Phương Nam, mã chứng khoán PNC) cũng ăn nên làm ra. Tổng kết ba quý đầu năm nay doanh nghiệp mang về hơn 520 tỉ đồng doanh thu, tăng đến 80% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nếu như ba quý đầu năm trước doanh nghiệp bị lỗ ròng gần 21 tỉ đồng, thì sang cùng kỳ năm nay đã ghi nhận khoản lãi ròng gần 17,4 tỉ đồng.

Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đạt cho biết kết quả kinh doanh đi lên nhờ vào việc dịch bệnh được kiểm soát, không còn tình trạng giãn cách xã hội như năm trước. 

Trên thị trường chứng khoán, mã PNC rất ít khi xuất hiện giao dịch. Dù vậy, hiện mã này đang dừng ở giá 9.250 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 13% trong vòng một tháng nay và tăng 17% so với giai đoạn cuối năm ngoái.

Cũng trong ba quý đầu năm nay, Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa, mã chứng khoán FHS) mang về gần 3.235 tỉ đồng doanh thu. Tuy nhiên do giá vốn cao, kèm theo nhiều chi phí khác, nên doanh nghiệp còn giữ lại 31 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, dù vậy vẫn cao hơn 490 lần so với mức đạt được của cả năm trước (63 triệu đồng).

Hiện mã FHS đang neo ở giá 29.400 đồng/cổ phiếu, tương đương biến động tăng 18% trong vòng một tháng nay và tăng tới 95% trong vòng một năm nay.

Song song đó, nhiều công ty thành viên thuộc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cũng lãi đậm. Điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội (mã chứng khoán EID) mang về khoản lãi ròng sau thuế gần 55 tỉ đồng trong ba quý vừa qua, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Cùng lúc đó, Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học TP.HCM (mã chứng khoán STC) cũng lãi sau thuế hơn 10 tỉ đồng, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm trước.

 Rủi ro khi phụ thuộc Đối tác của tập đoàn quốc tế: Rủi ro khi phụ thuộc 'ông lớn'

TTO - Trở thành đối tác của tập đoàn quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt nhanh chóng phất lên, ăn nên làm ra. Tuy nhiên, nếu không ràng buộc kỹ về pháp lý, khi có tranh chấp dễ "cầm dao đằng lưỡi".

Nguồn bài viết