Đi gõ cửa từng nhà trong chiến dịch kêu gọi người đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Detroit, bang Michigan, Mỹ ngày 4-5 - Ảnh: REUTERS
Theo báo Guardian ngày 9-5, nhiều bang ở Mỹ từ chối nhận vắc xin được phân phối từ chính phủ liên bang do số lượng người đăng ký tiêm vắc xin giảm, bất chấp nhiều nỗ lực được tiến hành để nâng cao tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 trên cả nước.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), gần 46% người Mỹ đã được nhận ít nhất 1 liều vắc xin và khoảng 34% dân số đã được tiêm đủ liều vắcxin COVID-19.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden công bố ngày 4-7 được chọn để mở cửa lại toàn diện về kinh tế - xã hội Mỹ, và mục tiêu đến ngày này 70% người trưởng thành ở Mỹ được tiêm ít nhất một liều vắc xin.
Tuy nhiên, tính đến ngày 8-5, lượng tiêm vắc xin của Mỹ chỉ còn 2 triệu liều/ngày, giảm 20% so với tuần trước đó. Với đà này, mục tiêu 70% người trưởng thành được tiêm vắc xin vào ngày 4-7 khó đạt được.
Báo cáo cho biết rất nhiều bang chỉ đăng ký nhận một phần lượng vắc xin được phân phối. Theo báo Guardian, đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tâm lý chần chừ tiêm vắc xin trong một bộ phận dân chúng Mỹ.
Bang Iowa chỉ đăng ký nhận 29% lượng vắc xin được phân phối. Bang Kansas đăng ký 9%, bang Connecticut đăng ký 26%, South Carolina đăng ký 21%, North Carolina và Washington mỗi bang chỉ muốn nhận 40% lượng phân phối.
Ở North Carolina, nhà chức trách đang cân nhắc việc trả tiền để khuyến khích những người trẻ tuổi đi tiêm vắc xin. Bang West Virginia đề nghị chi 100 USD cho người từ 16 - 35 tuổi để họ đi tiêm vắc xin. Thành phố Detroit của bang Michigan đề nghị trả 50 USD cho mỗi người dân đồng ý tiêm vắc xin.
Trong bối cảnh Mỹ dư thừa nguồn vắc xin thì các nước khác trên thế giới vẫn đang chật vật chiến đấu với dịch bệnh COVID-19, trong đó có Ấn Độ, Nepal. Những nước này đã kêu gọi tổng thống Mỹ tháo điểm nghẽn về nguồn cung vắc xin.
Các nước châu Âu đã phản đối đề nghị bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19 của Mỹ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), và nhiều nước trên thế giới. Thay vào đó, các nước này kêu gọi Mỹ và Anh hãy bỏ lệnh cấm xuất khẩu vắc xin và nguyên liệu bào chế vắc xin.