Nhà vườn hoa Tết ‘rối ruột’ vì vắng bóng thương lái

2 năm trước 180
Nhà vườn hoa Tết ‘rối ruột’ vì vắng bóng thương lái - Ảnh 1.

Vườn quất Tết hàng trăm chậu của nhà vườn ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đang mong chờ thương lái - Ảnh: DUY THANH

Những ngày đầu tháng chạp, ông Dương Văn Cần - xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - cùng những người trong gia đình, thuê thêm vài nhân công để lặt lá 500 chậu mai để kịp đơm hoa vào dịp Tết. Vườn mai nhà ông Cần vẫn lên xanh tốt, nhưng chủ nhân không giấu được nỗi lo trên gương mặt.

"Mọi năm thường trong tháng 11 âm lịch là mình "chốt" đơn đặt hàng của các thương lái đến từ các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam rồi, nhưng giờ đã sang đầu tháng chạp mà không ai gọi đặt hoa hết.

Đúng ngày đúng tháng thì lặt lá vậy thôi, chứ giờ cũng không biết là sẽ bán hoa thế nào. Nhà vườn chủ yếu có tiền Tết nhờ bán sỉ lượng lớn hoa cho thương lái ở xa đến, chứ còn bán chợ hoa Tết trong tỉnh thì vài chục chậu chứ bao nhiêu…" - ông Cần tâm sự.

Tương tự, ông Huỳnh Tứ Hải - ở phường 9, TP Tuy Hòa - cũng không giấu được nỗi lo khi vườn quất hơn 400 chậu của gia đình chưa có thương lái đặt hàng, dù thời gian cao điểm bán sỉ đã qua.

"Năm nay tôi thấy dịch COVID-19 ảnh hưởng nên đã chủ động giảm số lượng chậu quất từ 1.100 chậu xuống còn hơn 400 chậu vì nghĩ dịch bệnh khó khăn nên chắc người ta đặt hàng ít lại.

Không dè đến giờ không có mối nào đặt luôn. Dân trồng hoa mỗi năm chỉ mong dịp Tết để có thu nhập, năm nay dịch bệnh khó khăn rồi, giờ hoa bán không được nữa thì càng khó hơn" - ông Hải bày tỏ.

Nhà vườn hoa Tết ‘rối ruột’ vì vắng bóng thương lái - Ảnh 2.

Vườn mai Tết nhà ông Dương Văn Cần phát triển tốt nhưng chưa có thương lái đặt mua sỉ dù đã qua đầu tháng chạp - Ảnh: DUY THANH

Chờ mãi không thấy thương lái hỏi han đến, sáng 5-1, ông Nguyễn Ngọc Ân ở xã Bình Kiến gọi điện thoại cho các thương lái quen ở Gia Lai và Đắk Lắk để "tiếp thị".

Gọi 4-5 nơi nhưng chỉ một thương lái ở Đắk Lắk thống nhất mua vườn quất 450 chậu của hai cha con ông Ân với giá "sô" 150.000 đồng/chậu sau khi đã xem hình ảnh ông quay, chụp gởi qua Zalo.

"Như mọi năm thì quất đẹp cỡ này bán phải trên 200.000 đồng/chậu. Nhưng thôi giá thấp hơn vài chục ngàn một chậu cũng không sao, mình hòa vốn hay lỗ một chút cũng hơn là chăm sóc cả năm mà không bán được" - ông Ân bộc bạch.

Không may mắn như ông Ân, ông Phạm Ngọc Chung ở phường 9 và nhiều chủ nhà vườn khác cũng gọi điện cho các thương lái quen để gợi ý bán hoa Tết nhưng câu trả lời hoặc là từ chối hẳn hoặc hứa sẽ liên hệ lại sau khi thăm dò thị trường…

Địa bàn trồng hoa Tết trọng điểm của Phú Yên là Bình Kiến và phường 9 có khoảng 110ha trồng mai, quất, cúc.

Ông Nguyễn Đồng Ghi - chủ tịch Hội Nông dân phường 9 - cho biết lượng tiêu thụ từ thương lái ngoài tỉnh chiếm hơn 70% sản lượng hoa Tết, nhưng năm nay sức mua quá yếu, chỉ khoảng 20-25% thương lái đặt cọc trong dè dặt.

"Mọi năm thì đầu tháng chạp là xe tải lớn ở khắp nơi về đây chở mai, quất đi rồi, nhưng nay thì vắng quá. Nếu từ mùng 10 đến rằm tháng chạp mà không người hỏi mua nữa thì mùa hoa Tết năm nay của nông dân phường 9 coi như thất bại" - ông Ghi nói.

Nam Bộ mưa nhưng nhà vườn vẫn phải cảnh giác nước mặnNam Bộ mưa nhưng nhà vườn vẫn phải cảnh giác nước mặn

TTO - Ông Đặng Hoàng Lam - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre - cho biết hiện nay miền Tây đã bước vào mùa mưa, tuy nhiên tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính vẫn còn theo các đợt triều.

Nguồn bài viết