Chị Trúc Công nhiệt tình xin rau, xin cá, cùng nhiều người đưa nông sản đi Phú Yên, TP.HCM - Ảnh: M.VINH
Không chỉ lúc TP.HCM bắt đầu giãn cách theo chỉ thị 16 thì người dân Đà Lạt mới bắt đầu chuyển rau tặng đi các nơi. Khi Phú Yên bước vào giai đoạn khó khăn chống dịch, hàng tấn rau miễn phí mỗi ngày đã được chuyển đi. Và khi TP.HCM căng thẳng, rau củ trở nên đắt đỏ thì người Đà Lạt càng tăng cường lượng rau tặng.
Cách làm của người Đà Lạt đơn giản nhưng hiệu quả, ai có công góp công cắt rau, chủ vườn nào có lòng tặng rau thì báo để các nhóm thiện nguyện tổ chức đến cắt, ai có xe vận chuyển đi TP.HCM hay các tỉnh thì góp chuyến xe.
Các nhóm thiện nguyện phối hợp nhau theo kiểu cùng chia sẻ. Nhóm nào chuyển ra tặng đi các địa điểm của mình đủ rồi thì tìm chở đến góp với các nhóm khác để tránh trùng lắp địa điểm và không lãng phí rau củ nông dân tặng.
Rau được gói kỹ càng từng bó bằng giấy báo để tránh giập úng - Ảnh: M.VINH
Chị Trúc Công cùng các anh em nhiếp ảnh phong cảnh, động vật ở Đà Lạt ban đầu tổ chức khoảng 7 người đi mua rau tặng người dân Phú Yên, TP.HCM, nhưng khi nói rõ mục đích thì các chủ vườn xin "được tặng". Sau gần một tuần, "biệt đội cắt rau" có sự tham gia của chị Trúc Công đã lên vài chục người.
"Ngày nào cũng có chủ vườn gọi cho rau, cho nguyên vườn. Anh em tổ chức cắt, góp tiền mua vật tư để đóng gói. Có người không có rau thì đề nghị cho một số thùng cá tầm tươi. Lượng rau nhiều tới mức anh em làm không được nghỉ tay", chị Trúc Công chia sẻ.
Trong nhà kính rất nóng, để bảo quản rau không bị héo nhằm hạn chế hao hụt khi chuyển đi xa, "biệt đội cắt rau" dùng giấy báo phủ chờ đóng gói - Ảnh: M.VINH
Chị Đinh Ngọc Bảo Vy (36 tuổi) tranh thủ lúc sản xuất hoa đang chững lại đã tham gia cùng nhiều người Đà Lạt lẫn người dân các tỉnh đang làm việc tại Đà Lạt đi gom rau tặng người dân vùng có dịch.
"Người Đà Lạt hào phóng, chủ xe vận tải không lấy tiền chở, chủ vườn cho rau không tính cân, ký mà cho nguyên vườn, cắt hết vườn này thì qua vườn khác. Nhờ vậy mà anh chị em chỉ lo cắt, đóng gói rồi tổ chức chuyển đi đúng giờ để kịp đến tay người nhận đúng lúc cần thiết nhất", chị Vy kể.
Sau gần một tuần, lượng rau từ nhóm chị Vy, chị Trúc Công đã hơn 30 tấn.
Rau được đóng thùng cẩn thận ngay từ vườn - Ảnh: M.VINH
Theo ghi nhận của nhóm, việc xin rau từ nông dân không còn khó khăn nhưng việc tổ chức xe chuyển rau đi mỗi lúc mỗi khó, nhất là khi lượng rau được gửi tặng ngày càng nhiều.
"Bà con nhiệt tình cho rau, mình thiếu người cắt nên phải thật chắc chắn là chuyển đi được mới dám nhận. Sợ sức của anh em không đủ để làm mọi thứ trọn vẹn rồi uổng rau củ của bà con", chị Vy không giấu lý do nhóm không dám nhận lời "cho rau" của bà con một cách ồ ạt.
Do các yêu cầu chống dịch, các nhóm thiện nguyện tại Đà Lạt không thể dùng lực lượng lớn tăng tốc thu hái, chuyển rau đi TP.HCM nên những người tham gia phải làm việc như những nông dân thực thụ. Với nhiều người, đây là công việc quá sức và họ phải tự động viên "lấy vui để quên mệt".
Đối với những nông dân không chuyên thì phải rất cố gắng mới có thể chịu đựng nhiều giờ để thu hoạch, sơ chế rau trong nhà kính nóng và ngộp - Ảnh: M.VINH
Hiện nay, các hội nhóm tại Đà Lạt cũng đăng nhiều lời kêu gọi cùng ủng hộ nông sản cho người dân vùng dịch và được ủng hộ nhiệt tình. Nông sản, lương thực không chỉ chuyển đi TP.HCM và các tỉnh. Các mái ấm, nhà mở tại Lâm Đồng cũng đón nhận một nguồn lớn ủng hộ. Những điểm tặng nông sản được tổ chức ở nhiều điểm tại Đà Lạt, không kể là ai, nếu cần cứ đến lấy.
Chị Nhã (nông dân P.7, Đà Lạt) là người tặng 2 vườn rau để tặng TP.HCM và các mái ấm ở Lâm Đồng, vui vẻ nói về lý do của sự hào phóng: "Tặng cho người ta mình vui mà. Lúc này có phải lúc bán buôn gì đâu".
Nguyễn Khánh Hoàng, nghệ nhân tranh bút lửa ở Đà Lạt, vừa thu xong đám rau với hàng chục anh em bạn bè đã gần 12h trưa. Nhà kính nóng như đổ lửa nhưng công việc thu hái rau vẫn chưa dừng lại.
Cùng mọi người uống vội lon nước ngọt, anh bảo: "Cho có tí đường, lên máu cái làm tiếp cho kịp giờ chuyển rau đi. Mấy anh em trong nhóm mới báo được cho nguyên vườn sú tím, phải tranh thủ ra cắt".
Vườn rau rộng hơn 5.000m2 được một nông dân P.7 tặng đã được cắt, đóng gói trong một buổi sáng - Ảnh: M.VINH
Bữa ăn dã chiến chờ chuyển rau đi - Ảnh: M.VINH
Rau được đóng thành thùng theo quy cách chờ xe chở đi - Ảnh: M.VINH
Bà con nông dân hối hả chở rau đến nhờ những người thu gom rau chuyển tặng bà con vùng dịch - Ảnh: M.VINH
Rau lá nhóm nhận được nhiều nhất, hiện nhóm đang xin thêm các loại rau củ để đa dạng chủng loại nông sản tặng người vùng dịch - Ảnh: M.VINH
Rau chuyển tặng là rau tươi vừa hái tận vườn nên có thể vận chuyển đường dài 2-3 ngày - Ảnh: M.VINH
Rau tươi được đặt ở lề đường cho người dân lấy miễn phí - Ảnh: M.VINH