Người Việt ở Ba Lan đùm bọc đồng hương từ Ukraine

2 năm trước 200
Người Việt ở Ba Lan đùm bọc đồng hương từ Ukraine - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Quốc Phương (áo thun trắng, ở giữa) và 7 người Việt Nam vừa từ Ukraine đang ở nhà mình - Ảnh: Phương Oanh Nguyễn Ba Lan

"Lúc này là gần 2h sáng, mọi người vừa đến được một giờ và mới thu xếp xong chỗ nghỉ. Phòng vợ chồng tôi thì để một gia đình ở. Phòng của con trai lớn thì các bạn nữ, vợ và con gái tôi ở. Tôi và hai con trai ngủ trong phòng khách cùng các anh em đây. Đêm nay tạm như thế đã".

Chia sẻ với đồng hương

Tuổi Trẻ đã liên hệ với anh Phương từ tuần trước, khi cộng đồng người Việt ở Ba Lan bắt đầu kêu gọi hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang lánh nạn. Mọi người ở đó đã lường trước nếu bà con sơ tán khỏi Ukraine sẽ rất cần sự giúp đỡ về nhà ở và ăn uống những ngày đầu.

Rất nhiều người Việt ở Ba Lan và một ngôi chùa ở Warsaw đã cùng tổ chức lo chỗ ở và thực phẩm tạm thời cho người Việt sơ tán từ Ukraine qua. Đến thời điểm này, số chỗ ở đã lo đủ cho vài trăm người.

Anh Phương cho biết gia đình anh có thể thu xếp phòng cho một gia đình có từ 1 - 2 con. Ngày 1-3, theo kế hoạch, nhà anh sẽ đón một gia đình có ba người đến ở, hai bên duy trì liên lạc qua điện thoại. Tuy nhiên, khi anh Chính (tình nguyện viên) đi đón họ tại nhà ga thì được biết một nhóm năm người Việt khác đi cùng chuyến tàu tình cờ gặp gia đình này. Do không biết đi đâu, họ cùng chờ với nhau.

Anh Phương cho biết: "Khi được Chính thông báo là phát sinh thêm người, tôi nói cứ chở đến nhà tôi rồi tính sau. Đang mùa đông, bà con đứng đợi lâu sau khi đã đi mấy ngày đường như thế sẽ mệt và lạnh, mọi việc lúc này cứ phải linh động theo tình hình".

Chị Đỗ Thị Hảo, người gốc Hải Dương, là một trong số bảy người lớn đang trú tạm ở nhà anh Phương. Chị cho biết mình làm nghề may và sống ở thành phố cảng Odessa.

Mặc dù chiến sự bùng lên tại Ukraine từ 24-2, nhưng ngày 26-2 gia đình chị Hảo mới quyết định di tản. Theo chị, Odessa may mắn không bị tấn công dữ dội như các nơi khác như Kharkov hay Kiev, nhưng từ Odessa đến biên giới Ba Lan gần 1.000 km, chị chần chừ không đi vì sợ rủi ro trong lúc di chuyển. Về sau, thấy nhiều người đã đi, tình hình chiến sự vẫn không giảm, chị Hảo và nhiều người Việt Nam khác quyết định lên đường.

Chị cho biết họ thuê một chiếc xe 16 chỗ, chỉ mang theo những đồ cần thiết, đồ ăn cũng không kịp chuẩn bị. Trên đường đi sợ nhất là trúng đạn pháo nhưng may mắn chuyện đó đã không xảy ra. Lái xe là người Ukraine, mỗi khi dừng đổ xăng, đoàn lại mua đồ ăn bổ sung.

Quân đội Ukraine tại các trạm kiểm soát cũng cho xe qua khi biết đây là đoàn người Việt đi sang Ba Lan. Chị Hảo cho biết kẹt xe và xếp hàng rất đông tại cửa khẩu. Sau khi qua cửa khẩu, chị được lên tàu hỏa miễn phí đến thủ đô Ba Lan, tàu ưu tiên phụ nữ và trẻ em. Chồng và con chị (7 tuổi) đi chuyến sau vì tàu rất đông.

Anh Trần Anh, một người Việt khác sống tại Odessa từ năm 2015, cho biết khi chiến sự xảy ra mọi người đều rất hoang mang. Anh liên tục nhắc hai chữ "may mắn" trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ vì cả ba người trong gia đình anh cuối cùng đã đến được Ba Lan an toàn, lại có chỗ ngủ qua đêm. Khi quyết định di tản, họ chỉ mang theo ít đồ dùng cá nhân và cũng không biết cách lên mạng xã hội tìm sự giúp đỡ.

"Lúc đó tôi nghĩ mình phải chạy thôi dù không quen biết ai ở Ba Lan, và cũng không liên lạc trước với nhóm cộng đồng nào. Cuộc sống đang quen thì phải bỏ lại tất cả nhưng chắc sẽ qua, mình phải suy nghĩ tích cực lên. Dù sao tôi cũng may mắn vì đang không biết đi đâu làm gì thì được bà con người Việt ở Ba Lan đùm bọc", anh Trần Anh cho biết.

Anh cho biết từ Odessa, gia đình anh đi tàu hỏa đến biên giới Ba Lan, xuống tàu làm thủ tục rồi tiếp tục lên tàu đến thủ đô Warsaw.

Người Việt ở Ba Lan đùm bọc đồng hương từ Ukraine - Ảnh 2.

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan làm bánh mì kẹp thịt gửi lên biên giới - Ảnh: Hội Uwaga - người Việt ở Ba Lan

Làm bánh mì gửi lên cửa khẩu

Trong các nhóm cộng đồng người Việt tại Ba Lan, ai cũng muốn chung tay giúp đỡ đồng bào trong khả năng của mình.

Các thành viên của Hội Uwaga - người Việt ở Ba Lan đã có ba chuyến xe chở hàng cứu trợ cho người tị nạn và lực lượng làm nhiệm vụ tại vùng biên ở cửa khẩu Ba Lan. Mọi hoạt động cứu trợ của nhóm tạm thời bị gián đoạn kể từ ngày 1-3 sau khi Chính phủ Ba Lan nâng mức độ quốc phòng lên cấp 2 (có nguy hiểm chiến sự) ở vùng biên giới.

Trong các chuyến cứu trợ trước đó, hàng hóa được ưu tiên chủ yếu là thực phẩm ăn liền, nước đóng chai, bánh kẹo, cà phê, tã bỉm cho trẻ em, tất ấm, quần lót nam cho lực lượng làm nhiệm vụ dài ngày ở biên giới và một số quần áo ấm.

Trước mỗi chuyến xe, các tình nguyện viên còn tranh thủ làm gấp bánh mì kẹp thịt để có bữa ăn tiện lợi cho người tị nạn, người làm nhiệm vụ hoặc người đi đón thân nhân tại biên giới.

Chị Hà Thị Huệ Chi cho biết sau khi rất nhiều người tị nạn đi thẳng về thủ đô Ba Lan trong ngày 28-2, nhiều người Việt cũng đã nấu cháo nóng mỗi ngày cho họ. Chị cho biết có rất nhiều nhóm cộng đồng đang giúp đỡ người từ Ukraine sang.

Có một khó khăn cho người Việt đi tị nạn sang nước thứ ba là nhiều người không biết tiếng. Tiếng Ukraine có người cũng chưa rành thì nay lại phải sang Ba Lan hoặc các nước khác nên các thành viên tại Ba Lan cũng hỗ trợ phiên dịch.

Trên thực tế, sang đến Ba Lan thì các thẻ sim điện thoại của Ukraine không hoạt động nữa nên một số người bị mất liên lạc với đầu mối hỗ trợ để có thể nhận chỉ đường hoặc hướng dẫn từ xa nên bơ vơ, hoang mang.

Kinh nghiệm cho bà con là đến thẳng các trạm tiếp nhận ở biên giới Ba Lan sau khi xong thủ tục. Tại đây, nhân viên sẽ cấp cho mỗi người một thẻ sim miễn phí, có từ 30 - 100 GB dữ liệu truy cập mạng Internet. Ngoài ra các trạm tiếp nhận cũng có thể sắp xếp thức ăn và chỗ ngủ ở Ba Lan.

Ba Lan giảm nhẹ thủ tục để đón người tị nạn từ Ukraine

2 hàng ở biên giới 1(Read-Only)

Gian hàng đồ cứu trợ của các tình nguyện viên trong cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan tại một cửa khẩu với Ukraine - Ảnh: Hội Uwaga - người Việt ở Ba Lan

Theo Đài France 24, bà Anna Michalska, người phát ngôn của Cơ quan Biên phòng Ba Lan, cho biết có hơn 100.000 người từ Ukraine vào biên giới Ba Lan trong ngày 28-2. Đó cũng là ngày có số người nhập cảnh cao nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra.

Tính từ ngày 24-2 đến chiều 1-3, đã có ít nhất 377.400 người từ Ukraine vào Ba Lan và xếp hàng nhiều nhất (ở phía Ukraine) là tại cửa khẩu Medyka với hàng người dài khoảng 20 km.

Chính quyền Ba Lan cho phép mọi người từ Ukraine được nhập cảnh vào Ba Lan, bất kể họ có giấy tờ hợp pháp của Ukraine hay không. Các thủ tục đều đã được đơn giản hóa tới mức tối đa, chỉ cần có những giấy tờ như chứng minh thư, thẻ định danh cá nhân, hộ chiếu (kể cả hết hạn) đều được chấp nhận.

Theo CNN, tại các cửa khẩu, sau vài ngày đầu hỗn loạn, hiện các tình nguyện viên đã dựng lều dã chiến và cung cấp thực phẩm cho người tị nạn.

Từ Ukraine, đa số người dân chạy sang Ba Lan và một số ít hơn sang Moldova, Hungary, Romania, Slovakia, Belarus.

Theo Cao ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ngày 1-3, đã có 660.000 người chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2.

Các hãng bay Việt Nam lên phương án chở người Việt tại Ukraine từ các nước láng giềngCác hãng bay Việt Nam lên phương án chở người Việt tại Ukraine từ các nước láng giềng

TTO - Chiều 1-3, Cục Hàng không Việt Nam cho biết các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đều sẵn sàng thực hiện chuyến bay chở công dân Việt Nam từ Ukraine về nước.

Nguồn bài viết