Người Việt mua hàng quốc tế trực tuyến nhiều thứ hai Đông Nam Á

2 năm trước 143
Người Việt mua hàng quốc tế trực tuyến nhiều thứ hai Đông Nam Á - Ảnh 1.

Người dùng Việt Nam ngày càng thích thú với mua sắm trực tuyến - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Ngày 12-7, báo cáo "Nghiên cứu về hình thức kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới" do Công ty bưu chính thương mại điện tử (e-logistics) Ninja Van Group hợp tác Mạng lưới bưu chính DPDgroup công bố, cho thấy Việt Nam là quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á về mua hàng trực tuyến xuyên biên giới với số lượng trung bình lên đến 104 đơn hàng/năm/người.

Theo báo cáo, Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỉ lệ 16% và ngang bằng với Philippines.

Người Việt Nam yêu thích việc mua sắm online và đang dẫn đầu khu vực ở nhiều chỉ số. Cụ thể, 73% người trả lời tại Việt Nam cho biết thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử và 59% đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế.

Trong khi đó, theo một báo cáo khác từ Công ty nghiên cứu thị trường Statista, số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu trong năm 2022, tăng 13,5% so với năm trước. 

Tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỉ USD. Cùng thời điểm này, Google và Bain & Company dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỉ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2025.

Tại thị trường Việt Nam, thống kê của Ninja Van Việt Nam cho biết đang vận chuyển 300.000 đơn hàng mỗi ngày từ các cửa hàng kinh doanh online, doanh nghiệp lớn và nhỏ tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Ông Phan Xuân Dũng, giám đốc kinh doanh của Ninja Van Việt Nam, nhận xét: "Chúng tôi tin rằng thị trường Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiềm năng nhờ sự tăng trưởng bền vững và rõ nét trong những năm gần đây".

Các chỉ số của báo cáo từ phía Ninja Van Group đều thể hiện tiềm năng của hoạt động kinh doanh xuyên biên giới đang trên đà phát triển mạnh tại Việt Nam.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển, tạo bước đà cho các doanh nghiệp vươn mình ra thế giới, mở rộng quy mô kinh doanh tại nhiều quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, do những thách thức đến từ cổng thanh toán, logistics, quy định và luật pháp, nhiều cửa hàng kinh doanh Việt Nam vẫn chưa tham gia hoạt động này.

Gần 60% người dùng Việt tiếp tục mua hàng bách hóa trực tuyếnGần 60% người dùng Việt tiếp tục mua hàng bách hóa trực tuyến

TTO - Sau khi được ‘làm quen’ và ‘luyện tập’ việc mua sắm trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài năm 2021, gần 60% người dùng Việt cho biết sẽ tiếp tục thói quen này trong năm 2022.

Nguồn bài viết