Người Trung Quốc không dám đặt hàng từ nước ngoài vì sợ mất Tết

2 năm trước 234
Người Trung Quốc không dám đặt hàng từ nước ngoài vì sợ mất Tết - Ảnh 1.

Những người nước ngoài làm nghề daigou - tức mua hàng thuê cho người đang ở Trung Quốc - đang gặp khó khăn vì khâu vận chuyển hàng hóa và các quy định mới của chính quyền Trung Quốc - Ảnh: AFP

Đầu tuần này, nhà chức trách Trung Quốc kêu gọi người dân hạn chế đặt hàng ở nước ngoài và yêu cầu các đơn vị vận chuyển, bưu điện khử khuẩn hàng hóa.

Động thái diễn ra sau khi Bắc Kinh ghi nhận ca Omicron đầu tiên trong cộng đồng là một người nhận được lá thư từ Canada trước đó 1 tháng.

Người này không có lịch sử ra nước ngoài nên theo chính quyền, không loại trừ bệnh nhân đã bị lây bệnh qua thư. Tuy nhiên các quan chức và chuyên gia Canada cảm thấy hoài nghi về nguồn lây này. 

Mặc dù vậy, thông báo của chính quyền đã đủ để nhiều người không dám click chuột để đặt hàng qua mạng, theo báo South China Morning Post (SCMP).

"Tôi vừa phát hiện mã của mình đã chuyển sang màu vàng và tôi nhận được một cuộc gọi nói rằng tôi cần phải xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày để chuyển mã trở lại màu xanh vì tôi đã nhận được một gói hàng ở nước ngoài. Đó là điếu xì gà tôi đặt mua vào tháng trước và nó vẫn chưa được giao", một người dùng Weibo than thở.

Wang Wei, 41 tuổi, một người thường xuyên mua hàng nước ngoài qua mạng, chia sẻ bản thân không dám đặt hàng nữa vì vẫn còn muốn ăn Tết Nguyên đán.

"Gói hàng này có thể khiến mã của tôi chuyển sang màu vàng và tôi sẽ không thể về nhà trong kỳ nghỉ Tết nếu được giao ngay lúc này", Wang nói về chiếc nón đặt mua từ châu Âu và chưa được giao.

Với tín đồ mua hàng qua mạng như Wang, việc mã sức khỏe đổi màu là điều duy nhất khiến họ chùn tay vào lúc này.

Trung Quốc áp dụng hệ thống mã QR cá nhân để xác định tình trạng sức khỏe, phơi nhiễm của công dân.

Người có mã màu xanh được tự do đi lại, vào những nơi công cộng hoặc tòa nhà văn phòng. Ngược lại, người có mã màu vàng và đỏ phải chịu các hạn chế, xét nghiệm, cách ly để phòng lây nhiễm.

Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh Tết Nguyên đán và Olympic mùa đông 2022 đang tới gần.

Các nguồn tin của SCMP tiết lộ các gói hàng ở nước ngoài sẽ trải qua nhiều vòng khử trùng khi đến tay người đặt ở Trung Quốc.

Daigou Neo Wang, một người ở Áo kiếm tiền nhờ nhận mua hàng xa xỉ giùm người ở Trung Quốc, cho biết công việc đã khó khăn nay lại càng khó hơn.

"Các chuyến bay giữa Áo và Trung Quốc giảm nhiều so với trước. Hồi xưa mất khoảng 2 tuần để hàng về tay khách hàng thì nay thời gian tăng lên 3-4 tuần", Neo Wang nêu thực trạng và lo sợ việc gửi hàng bằng đường bưu điện sẽ khiến khách ở Trung Quốc gặp rắc rối.

Báo cáo vào tháng 4-2021 của Công ty iiMedia cho thấy Trung Quốc có 158 triệu người thường xuyên mua hàng nước ngoài qua mạng trong năm 2020. Điều này tạo công ăn việc làm không chỉ cho doanh nghiệp nước ngoài mà còn cả người trong nước.

Tuy nhiên khi COVID-19 bùng phát, nhu cầu tiết kiệm tăng lên và nỗi lo có thể bị nhiễm bệnh từ hàng hóa đã ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu mua sắm.

Bắc Kinh nói ca Omicron cộng đồng là do... bưu phẩm từ CanadaBắc Kinh nói ca Omicron cộng đồng là do... bưu phẩm từ Canada

TTO - Cơ quan Y tế Bắc Kinh cho rằng ca nhiễm biến thể Omicron duy nhất được phát hiện tại đây có thể do bưu phẩm gửi từ Canada vì đã nhiễm chủng Omicron giống với chủng tìm thấy ở Bắc Mỹ và Singapore.

Nguồn bài viết