Người lao động tham gia giám sát đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc

6 tháng trước 59

Thưa ông, tại sao năm nay lại chọn chủ đề "Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng"?

Công tác an toàn, vệ sinh lao động phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Chúng ta không bao giờ hài lòng kết quả đã đạt được và luôn phải tiếp tục tăng cường, nâng cao một bước để công tác an toàn lao động đạt được kết quả cao hơn.

Chú thích ảnhÔng Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động.

Trong thực tế, theo thời gian, nhiều máy móc, thiết bị công nghệ mới ra đời. Nếu chúng ta không phát triển sẽ không đáp ứng được những yêu cầu mới. Tiếp đó là chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao, điều kiện làm việc người lao động cần được cải thiện cao hơn. Cho nên, việc tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm cả điều kiện lao động, môi trường lao động và yếu tố khác được tăng cường là sự cần thiết để đảm bảo điều kiện lao động, môi trường làm việc cho người lao động ngày một tốt hơn.

Việc tăng cường an toàn nơi làm việc và chuỗi cung ứng do người lao động thường xuyên tiếp xúc với các máy móc, thiết bị và môi trường. Do đó, việc tăng cường an toàn đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động tốt sẽ làm việc năng suất và sức khoẻ được bảo đảm, không nguy hiểm đến tính mạng.

Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tốt không chỉ cho người lao động mà cho cả doanh nghiệp. Lý do trong chuỗi cung ứng với sản xuất hiện nay, việc sản xuất có thể là một chuỗi liên kết toàn cầu. Có khi một sản phẩm là hàng trăm công ty có thể tham gia.

Các hàng hóa của đơn vị này là nguyên liệu của hoạt động sản xuất tiếp theo, cho nên an toàn trong chuỗi cung ứng bao gồm cả an toàn cho con người, an toàn từ những sản phẩm nguyên vật liệu để cho những dây chuyền tiếp sau làm tốt. Do đó, khi tiếp xúc với nguyên vật liệu mà không tốt, không an toàn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe lao động.

Tăng cường an toàn lao động tại nơi làm việc và chuỗi cung ứng cũng do yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Chúng ta đã ký 16 FTA (Hiệp định thương mại tự do) và các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động. Chúng ta sản xuất hàng hóa mà không có an toàn thì hàng hóa sẽ không được những nước phát triển chấp nhận. Hàng hóa chất lượng có nghĩa hàng hóa phải sạch gồm nhiều ý nghĩa như không sử dụng lao động vị thành niên, đảm bảo an toàn lao động và môi trường. An toàn, vệ sinh lao động trong chuỗi cung ứng đáp ứng những yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Qua khảo sát thực tế, ông đánh giá thế nào về tình hình đảm bảo an toàn cho người lao động trong chuỗi cung ứng trong thời gian qua?

Về tình hình chung, thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người cũng giảm đi đáng kể. Số vụ tai nạn lao động chết nhiều người cũng giảm đi so với trước nhiều. Môi trường lao động cũng được cải thiện đáng kể.

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những vụ tai nạn chết nhiều người hoặc những vụ môi trường làm nhiều người bị ảnh hưởng.

Do đó, chúng tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Gần đây nhất, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 31 về tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Trong đó, Chỉ thị đã đánh giá tất cả những ưu điểm, kết quả đạt được và cả những tồn tại. Chỉ thị có 7 nội dung mà Ban Bí thư đã đưa vào trong chỉ đạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo quyền cho người lao động làm việc trong điều kiện an toàn; quan tâm cả các đối tượng lao động khu vực có quan hệ và không quan hệ lao động.

Đồng thời, Chỉ thị cũng đặc biệt chú ý đến môi trường cho người lao động. Môi trường làm việc tại nhiều nơi hiện rất ô nhiễm. Ô nhiễm môi trường lao động không tác động ngay đến người lao động mà từ từ, gây hậu quả lâu dài. Trên thực tế, đã có những bệnh nghề nghiệp không chữa được và người lao động sẽ mang bệnh tật suốt đời.

Công tác an toàn lao động có tiến bộ trong chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận thức được và tuân thủ các quy định trong FTA và tuân thủ các quy định về trách nhiệm xã hội để có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn những doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được nên vẫn có những hình thức chống đối khi quan trắc môi trường nên không thể hiện được bản chất và không có sự giám sát của người lao động.

Cũng có một số đơn vị sử dụng lao động nông nhàn, không được đào tạo và cũng không được huấn luyện, không tuân thủ quy định nên có lúc xảy ra những vụ tai nạn rất đáng tiếc. Về tình hình chung của cả nước có nhiều tiến bộ nhưng đâu đó vẫn còn có những chỗ vi phạm, nên phải tiếp tục từ công tác tuyên truyền, tập huấn luyện, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm 2023, cả nước, các đoàn điều tra đề nghị công an khởi tố 22 vụ và các cơ quan công an khởi tố 19 vụ cũng thể hiện sự nghiêm khắc, có tính chất làm điểm để răn đe cho những hành động tương tự.

Như ông chia sẻ, vấn đề quan trắc môi trường nhiều nơi vẫn làm chống đối, Vậy, theo ông, làm thế nào để đảm bảo điều kiện cho người lao động đúng thực chất, thưa ông?

Trong quá trình tổng kết 10 năm Chỉ thị 29, chúng tôi cũng báo cáo rất rõ là phải cải thiện từ trong các quy định của văn bản pháp luật. Tới đây, chúng tôi đề nghị Bộ Y tế xem xét lại để ban hành các văn bản pháp luật, thường quy về quan trắc môi trường lao động.

Thực tế có việc quan trắc rất hình thức. Ví dụ, chủ doanh nghiệp thuê đơn vị có đủ điều kiện để đo quan trắc môi trường lao động. Tuy nhiên, khi đã là quan hệ thuê theo hợp đồng, bên được thuê sẽ đáp ứng yêu cầu người thuê. Họ sẽ đo quan trắc môi trường lao động lúc thấp điểm không phải cao điểm. Ví dụ như họ đo lúc nhiệt độ trời mát nên không thể hiện lúc nhiệt độ cao; hoặc đo tiếng ồn, bụi lúc nghỉ trưa.

Do đó, quan trắc môi trường tới đây phải thay đổi quy định từ quan trắc định kỳ 6 tháng, 1 năm có thể tiến tới quan trắc tự động và kết quả hiển thị trên màn hình liên tục và có sự giám sát của người lao động, công đoàn.

Đơn giản như việc đo nhiệt độ, doanh nghiệp có thể mua nhiệt kế lắp tại xưởng sản xuất. Do đó, có nhiều phương án không tốn kém mà vẫn có thể thể hiện được kết quả quan trắc minh bạch hơn, chính xác hơn, liên tục hơn.

Chúng tôi cũng khuyến khích các đơn vị có thể sử dụng quan trắc tự động để có kết quả phản ánh trung thực nhất, minh bạch nhất. Sau này, việc quan trắc môi trường sẽ sửa từ văn bản quy phạm pháp luật, thường quy để nâng cao ý thức trách nhiệm.

Các đơn vị truyền thông cũng tích cực vào cuộc phản ánh những nơi làm tốt và những nơi làm chưa tốt công tác cảnh báo và thúc đẩy sự chung tay vì an toàn với người lao động.

Xin cám ơn ông!

Nguồn bài viết