Người gom lửa ấm

2 năm trước 155
Người gom lửa ấm - Ảnh 1.

Má đã gom lửa "sưởi ấm" từ thuở tóc xanh tới khi tóc bạc - Ảnh minh họa: MINH PHÚC

Gia đình nếu không có đủ tình yêu thương để "châm chừng chừng" thì cũng mau hiu quạnh lạnh lẽo như cái cây đèn hết dầu trơ trọi ra đó thôi. Bây cứ nhìn cây đèn rồi suy nghĩ cho thấu đáo thiệt hơn. 

Vợ chồng hết cái tình cũng còn cái nghĩa. Nhiều cặp sống với nhau lâu, tình hết nhưng ơn cao nghĩa dầy, rồi họ cũng tìm ra được những mắt xích có thể mắc vào nhau, đưa nhau qua bao dông bão. Bây vợ vợ chồng chồng mới hơn chục năm, có là bao!

Má tôi đó. Và đó là lúc má la má rầy mỗi khi tôi giận chồng rồi làm thinh mấy bận. Má không hiện đại đến mức thấy con gái khổ chút là xúi con bỏ chồng "về má nuôi" như mấy bà má trẻ khác. 

Thời đại kỹ thuật số lâu rồi mà má vẫn cặm cụi vặn lên vặn xuống cái dây tim đèn dầu, trước là thắp sáng để nhớ về hồi cả nhà còn chìm trong cơn khốn khó triền miên, sau là có cớ để nán lại bàn thờ "nhìn mặt ba" cho đỡ nhớ.

Má sinh ra hồi chiến tranh, cái ăn cái mặc thiếu thốn trăm bề. Đến bữa ăn trong lồng bàn rách nát chỉ có thau khoai mì độn bo bo, ăn miết mà đi ngoài ra máu vì quá nóng. Quần áo vá chằng vá đụp, vá đến lúc không còn tìm được chỗ nào để đắp thêm miếng vải, nhìn đâu cũng nát.

Má được 2 tuổi thì bà ngoại mất. Má nói ngoại mất "êm" lắm vì ngoại là người sống có đức. Ngoại nằm võng ôm má, ru má ngủ rồi ngoại ngủ luôn một giấc ngủ đầy. Lúc đó, ông ngoại còn sống trơ trơ nhưng má lại thành mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Ông ngoại bỏ đi khi má còn trong bụng bà ngoại. Rồi ông kết nghĩa vợ chồng với một người phụ nữ khác. Những đứa con của "bà ngoại nhỏ" sau này, khi đã tẩu tán hết những mẫu đất bạt ngàn của ông ngoại để lại, kéo xuống đòi chiếm miếng đất ruộng cằn cỗi của má.

Nhưng trời cũng thật công bằng khi họ bị cán bộ trên phường mắng cho một trận té tát rồi họ quày quả bỏ về, không một lần đoái hoài tới má thêm một lần nào nữa. Giỗ ông ngoại, má lặng lẽ làm mâm cơm đơn giản cúng kiếng thành tâm. Một đời má thong dong vậy, mọi oán hờn đều như cơn gió thoảng qua rồi bay mất. Cuối cùng còn lại vẫn là cái tình nghĩa máu mủ ruột rà thôi.

Ai trong chúng ta cũng một lần mở mắt chào đời bằng việc vay mượn những cơn đau của người sinh ra ta. Họ đã chịu đau sinh ra ta thì không còn nỗi đau đớn nào có thể quật ngã được họ. Má cũng dạy tôi y vậy: "Sanh con xong con sẽ thành một người khác, mạnh gấp trăm ngàn lần".

Nhưng tôi sẽ không mạnh mẽ vượt qua mọi dông bão trong hôn nhân nếu không có má. Vợ chồng tôi hục hặc là má lên tiếng để gỡ rối. Đứa nào phải quấy, nghe má nói một hồi sẽ nghiệm ra ngay. Nếu không có má "kìm" tôi lại, bản tánh tự ái và háo thắng đàn bà đã khiến tôi ký đơn ly hôn mấy bận rồi. 

Từ má, tôi nhận ra chồng mình cũng có phần giống y như má: lòng yêu thương vẫn âm ỉ chảy tràn trong lòng, ẩn sâu sau cái vẻ lạnh lùng khô cứng đến chán ngắt.

Má không chỉ sanh ra những đứa con mà còn cần mẫn đi gom từng ngọn lửa sưởi ấm gia đình cho từng đứa. Không có má, chắc gì cái tổ nhà tôi đã ấm!

Nhớ má, má của anh - má của mìnhNhớ má, má của anh - má của mình

TTO - Nhờ má, tôi viết được rất nhiều bài báo và truyện ngắn với văn phong Bình Định rặt ri. Viết không chút gượng gạo, sượng sùng.

Nguồn bài viết