Người dân vùng nguy cơ sạt lở Mường Lát mong sớm được di dời đến nơi an toàn

2 tháng trước 40
Chú thích ảnhSạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại khu phố Na Khà, thị trấn Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN phát

Tại huyện biên giới Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), nhiều năm qua, hàng trăm gia đình sống bên cạnh bờ sông Mã đang phải sống trong lo lắng, bất an sạt lở mỗi khi mưa lũ về. Hiện, người dân mong muốn được di dời tới nơi ở mới để không còn nỗi lo sạt lở và ổn định đời sống.

Tại khu vực Bản Táo, xã Trung Lý, sau những cơn mưa lớn của hoàn lưu bão số 4 vừa qua, Quốc lộ 15C xuất hiện nhiều vết nứt chạy dài. Các vết nứt này từng xuất hiện từ năm 2018 và đến nay ngày càng rộng hơn, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Dù lực lượng chức năng đã khắc phục, sửa chữa nhưng người dân nơi đây vẫn luôn lo lắng, bất an bởi sạt lở làm mất đất, mất nhà có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chị Lộc Thị Trại (Bản Táo, xã Trung Lý) cho biết: "Gia đình đang sống tại khu vực bản Táo, cạnh Quốc lộ 15C. Khu vực này đã xuất hiện vết nứt lớn từ lâu, chính quyền đã sửa lại tạm thời. Đến khi xảy ra cơn bão số 3 và số 4 lại tiếp tục bị nứt. Cả nhà hoảng sợ không biết làm sao, cũng không có kinh phí để di dời đến nơi ở mới. Mặc dù lực lượng chức năng đã kịp thời sửa lại, không để vết nứt lan rộng, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, mong cấp trên có giải pháp di dời đến nơi tái định cư mới để ổn định cuộc sống”.

Đi không được, mà ở thì bất an. Đó là câu chuyện đang diễn ra tại nhiều xóm, bản ở huyện biên giới Mường Lát, dọc bờ sông Mã đoạn qua bản Xa Lung, xã Mường Lý đang có nhiều căn nhà xiêu vẹo, nằm chênh vênh và sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bà Cư Thị Trá (bản Xa Lung, xã Mường Lý) cho biết, căn nhà bà là nơi sinh sống của 7 con người. Chồng và 2 con trai mất sớm để lại 6 đứa cháu nhỏ cho bà trông nuôi, ngoài việc lo "cơm cháo qua ngày" cho các cháu, bà Trá còn đối mặt với nỗi lo lớn hơn là sạt lở, sập nhà. Mỗi khi mưa lũ, bà Trá rất sợ, không biết phải đưa các cháu đi đâu. Nhà thì dưới sợ sụt xuống sông, mà trên thì sợ đất đá sạt xuống, tối thì ngủ trong lỗi lo không biết nếu mưa về thì một mình có đưa các cháu chạy được không. Thời gian tới, bà mong muốn UBND huyện Mường Lát sớm bố trí xây khu tái định cư mới để gia đình di rời lên chỗ an toàn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Lát, hầu hết các xã thị trấn đều có những vùng trọng điểm, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét, đặc biệt là khu vực nằm ven các tuyến đường dọc sông Mã. Thời gian qua, ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 đã khiến nhiều ngôi nhà bị sập, gần 600 hộ gia đình với trên 2.600 nhân khẩu phải sơ tán khẩn cấp. Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng ở địa phương này bị sạt lở, hư hỏng nặng. Hàng trăm hộ gia đình với hàng nghìn người dân đang sống trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cần được di dời đến nơi ở mới.

Theo ông Khuất Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý, vị trí mà bà con lựa chọn xây nhà để ở, nằm bên bờ sông Mã, ngay trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn nên mỗi khi mưa lũ về, nước lũ lưu lượng nước từ thượng nguồn chảy về rất nhiều. Bên cạnh đó, mỗi khi thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn, làm sụt lún về phía bờ sông mà bà con đang định cư, tiềm ẩn nguy cơ nguy cơ sạt lở lớn, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát khẳng định, trên địa bàn huyện có nhiều khu vực người dân đang sinh sống có nguy có sạt lở, lũ ống, lũ quét rất cao. UBND tỉnh Thanh Hóa đã rà soát đưa vào quy hoạch xây dựng các khu tái định cư theo Đề án 4845 (Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025). Sau khi rà soát, sắp xếp ổn định dân cư theo đề án, địa bàn có 8 khu vực cần đề xuất xây dựng khu tái định cư tập trung cho người dân. Tới nay, UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét để đầu tư ổn định đời sống cho người dân. Sau khi tỉnh chấp thuận, huyện sẽ triển khai xây dựng các khu tái định cư này.

Vào năm 2018, một trận lũ kinh hoàng đã quét qua các bản làng vùng cao biên ải này khiến hàng trăm ngôi nhà, vật nuôi, hoa màu bị vùi lấp; khoảng 10 người chết và mất tích, hàng nghìn người sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Sáu năm sau thời điểm kinh hoàng ấy, dù đã được chính quyền quan tâm tái thiết, ổn định cuộc sống nhưng phần lớn người dân Mường Lát chưa thoát khỏi vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Cuộc sống vẫn thấp thỏm, chênh vênh bên miệng "hà bá" cùng nỗi lo mất nhà, mất người thân luôn rình rập. Bà con mong muốn tỉnh Thanh Hóa sớm có giải pháp để di dời người dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Nguồn bài viết