Người dân tại TP.HCM có thể thanh toán tiền điện không tiền mặt dễ dàng tại hệ thống siêu thị Co.opmart - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là các thông tin được Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đưa ra tại hội nghị "Tri ân các đối tác hợp tác thanh toán tiền điện và đối tác tài chính năm 2021" sáng 28-4.
Theo EVNHCMC, hiện nay có 23 ngân hàng và 11 đối tác trung gian hợp tác thu hộ tiền điện cho đơn vị này, trong đó có đến 10.000 điểm thu của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng điện thoại...
Ông Nguyễn Phú Vĩnh - trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết tỉ lệ khách hàng thanh toán qua các kênh ngân hàng và trung gian đến nay đã đạt 98%.
Đáng chú ý, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự dịch chuyển nghiêng về các dịch vụ như ví điện tử, SMS & Mobile banking, Internet Banking, trích nợ tự động... Trong đó, tỉ lệ khách khàng thanh toán qua ví điện tử đã nhảy vọt lên con số hơn 18 triệu người, chiếm đến 68% trong tỉ trọng các hình thức thanh toán.
Đáng chú ý, tỉ lệ khách hàng thanh toán qua thẻ ATM các ngân hàng từng đạt khá cao nay đã rớt xuống đáy khi chỉ còn chưa đến 1.500 người sử dụng, tỉ trọng chưa đến 0,01%.
Riêng đối với ví điện tử đạt tỉ trọng cao, song ông Vĩnh cũng lý giải bên cạnh thanh toán qua ví điện tử cá nhân, nhiều giao dịch cũng được thực hiện thông qua ví điện tử bằng cách người dân trả tiền mặt tại các quầy giao dịch của các tổ chức trung gian.
Với chương trình "Ngày không tiền mặt" (Cashless Day 16-6) do báo Tuổi Trẻ khởi xướng và tổ chức thường niên, EVNHCMC cho biết đã đẩy mạnh vận động người dân thanh toán không dùng tiền mặt, tạo hiệu ứng về xu thế thanh toán không tiền mặt, trong đó ưu tiên hình thức trích nợ tự động từ tài khoản cá nhân.
Ngoài ra, ông Vĩnh cho hay đơn vị này cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng không dùng tiền mặt như giảm giá khi thanh toán tiền điện qua các dịch vụ của các tổ chức tài chính.
Theo ông Vĩnh, tỉ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền điện ngày một tăng, song qua phân tích thì thực chất vẫn còn dùng tiền mặt khi thanh toán, đặc biệt là sử dụng tiền mặt chuyển vào ví tại các điểm thu hoặc thanh toán tiền mặt tại các ngân hàng.
Do đó, ông Vĩnh cho biết cần có những giải pháp tích cực hơn để dần thay đổi nhận thức, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, hướng đến một xã hội không tiền mặt với chủ trương của Chính phủ. Riêng EVNHCMC đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% khách hàng thanh toán tiền điện tại TP.HCM không dùng tiền mặt.
Hơn 4.141 tỉ đồng cho đầu tư xây dựng năm 2021
Theo EVNHCMC, tính đến 31-1-2021, tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn của năm 2020 là hơn 4.615 tỉ đồng, đạt hơn 83% kế hoạch.
Đối với năm 2021, EVNHCMC được giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng là hơn 4.141 tỉ đồng, trong đó hơn 1.161 tỉ đồng đầu tư lưới điện truyền tải, 2.315 tỉ đồng đầu tư lưới điện phân phối.
Riêng nguồn vốn huy động tín dụng thương mại là hơn 1.628 tỉ đồng, bố trí cho các công trình ưu tiên là dự án ngầm hóa lưới điện, các dự án lưới điện truyền tải, dự án lưới điện phân phối...
Ngoài ra, EVNHCMC cũng bổ sung vay mới 91 hạng mục công trình với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, giá trị đề nghị vay hơn 2.700 tỉ đồng giải ngân đến 2023, riêng năm 2021 dự kiến giải ngân gần 800 tỉ đồng.