Người dân thực hiện '3 có' chủ động ứng phó lũ lụt

1 tháng trước 23

Đồng thời, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, sông hồ; đảm bảo không để xảy ra các sự cố.

Chú thích ảnhCơ quan chức năng tỉnh Phú Yên kiểm tra an toàn tại hồ Đồng Tròn (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện phương án “3 có”

Nhiều ngôi làng ven sông tại xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) hiện có từ 80 - 90% nhà dân xây gác cao để cất trữ vật dụng và tránh trú khi có lũ lụt xảy ra. Với tình hình dự báo năm nay khả năng có lũ lụt lớn trong thời gian từ tháng 10 -12, người dân đã đưa nhiều vật dụng lên các tầng gác; đồng thời theo dõi thông tin dự báo thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó.

Theo ông Đoàn Ngọc Thăng (xã Xuân Sơn Nam), dù hiện nay chưa xảy ra lũ lụt nhưng người dân ở đây luôn đề phòng, chủ động các giải pháp phòng, chống. Sau khi thu hoạch xong vụ Hè - Thu, gia đình ông đã đưa nông sản và các đồ dùng nông cụ lên gác. Những vật dụng có giá trị khác cũng dần chuyển lên vị trí cao. Ở đây, mọi người đều quen với cách làm này vào trước mùa mưa bão hằng năm. Nhờ vậy, dù có lũ lụt lớn xảy ra, người dân cũng không bị thiệt hại nhiều.

Huyện Tuy An cũng là địa phương có nhiều ngôi làng nằm ở vùng trũng thấp và ven các con sông. Khi có mưa lớn kéo dài, nhiều căn nhà của người dân ở dọc sông Kỳ Lộ bị ngập sâu từ 3 - 5 m. Để phòng, chống lũ lụt, ngoài thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, nhiều hộ dân ở phía hạ nguồn con sông này còn thực hiện phương án “3 có” tại nhà gồm nhà có gác, có sõng (thuyền nan nhỏ) và có áo phao. Cách làm này đã giúp người dân giảm thiểu thiệt hại khi có lũ lụt xảy ra.

Nằm ở hạ nguồn sông Kỳ Lộ, năm nào nhà của bà Nguyễn Thị Đào (xã An Định, huyện Tuy An) cũng bị ngập do lũ lụt. Từ cuối tháng 9, nhiều vật dụng cần thiết và lúa, thóc cũng được đưa lên gác để cất trữ. Gia đình bà cũng sửa chữa lại chiếc sõng và một số áo phao để sử dụng khi cần thiết. Đây là cách chủ động ứng phó với lũ lụt trong suốt nhiều năm qua của gia đình bà. Bà Nguyễn Thị Đào cho biết, khi có lũ lụt xảy ra, nước lên rất nhanh khiến nhà bà bị ngập sâu. Do vậy nếu không có sự chủ động ứng phó thì thiệt hại rất lớn. Mỗi năm trước mùa mưa lũ, gia đình bà phải chuẩn bị đầy đủ vật dụng và đưa nhiều đồ dùng lên chỗ cao.

Chủ tịch UBND xã An Định Nguyễn Minh Quang cho biết, trước mùa mưa bão, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền người dân sinh sống khu vực ven sông thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và phương án “3 có”. Bên cạnh đó, UBND xã vận động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ áo phao cho học sinh vùng ngập lụt. Lực lượng tại chỗ của xã rà soát các phương tiện cứu nạn, cứu hộ để đưa về địa bàn 8 thôn, sẵn sàng triển khai ứng phó khi lũ lụt xảy ra.

Đảm bảo an toàn hồ đập

Chú thích ảnhNgười dân ở xã An Định (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) chuẩn bị áo phao trước khi mùa mưa bão đến. Ảnh: Tường Quân/TTXVN

Phú Yên có 51 hồ chứa thủy lợi (gồm 16 hồ lớn, 10 hồ vừa, 25 hồ nhỏ) với tổng dung tích khoảng 117,7 triệu m3. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trước mùa mưa bão năm nay, các chủ hồ chứa thủy lợi đã kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn hồ, đập. Các địa phương đã chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục công trình ven sông, suối trước mùa mưa bão năm nay.

Ông Nguyễn Văn Nhành, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy nông Đồng Cam cho biết, đơn vị quản lý đang vận hành 8 hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích hơn 91,8 triệu m3, phục vụ tưới cho hơn 37.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước được công ty thực hiện thường xuyên. Trước mùa mưa lũ năm nay, công ty đã tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước và thực hiện các biện pháp, xử lý kịp thời các công trình hư hỏng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Phạm Đình Phụng, trên địa bàn huyện có 31 công trình thủy lợi, gồm: 6 trạm bơm điện, 12 hồ chứa nước, 12 đập dâng và 1 cống tự chảy. Nhiều công trình thủy lợi, hồ, đập được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Địa phương đang thực hiện nạo vét, xây kè, gia cố mái, đắp bờ một số lòng hồ để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. UBND huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để địa phương duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp.

Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp hồ chứa thủy lợi đảm bảo an toàn, các đơn vị quản lý, khai thác cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn công trình; đồng thời, kiểm soát tốt nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với những hồ chứa không bảo đảm an toàn, các địa phương, đơn vị tuyệt đối không tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức phù hợp; đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành gắn với an toàn vùng hạ du và tập trung đào tạo bồi dưỡng nhân lực để nâng cao năng lực quản lý, vận hành. Sở tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của các địa phương, đơn vị về hỗ trợ trang thiết bị phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kè sông, kè biển, kè bảo vệ khu dân cư, bảo vệ đất sản xuất nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn bài viết