Thực tế này đã ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Thôn Đồng Om, xã Cao Dương và xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn bị bao bọc xung quanh bởi các mỏ đá lớn, nhỏ. Giáp đường Hồ Chí Minh trên địa phận xã Cao Dương có khoảng 6 đến 7 mỏ đá. Cứ 11 giờ và 17 giờ mỗi ngày, các mỏ đá đồng loạt nổ mìn. Cả một vùng rộng lớn chìm trong khói bụi, tiếng nổ rung chuyển, nhà các hộ dân bụi phủ trắng xóa. Không ai bảo ai, mọi sinh hoạt của người dân đều ở trong những căn nhà đóng kín cửa, đồng thời phủ bạt để che bụi.
Ông Đinh Công Chiến, thôn Đồng Om, xã Cao Dương chia sẻ, nhiều năm trở lại đây, các hộ dân trong thôn đối mặt với những mối nguy hại về môi trường từ các mỏ đá. Gia đình ông và một vài hộ dân nằm sát nơi khai thác và chế biến vật liệu xây dựng của mỏ đá Phú Đỉnh nên chịu tác động rất lớn từ hoạt động nổ mìn. Khói bụi, đá văng gây nứt vỡ nhà cửa, hoa màu bị thiệt hại nặng nề, người dân thôn Đồng Om từ nhiều năm nay hầu như không ai còn thiết tha xây mới nhà cửa. Các hộ mong mỏi chờ chính sách tái định cư để sớm được yên ổn làm ăn và sinh sống.
Người dân xóm Rụt, xã Tân Vinh cũng đang phải chịu đựng cuộc sống như trên. Cả xóm thường xuyên có khói bụi và sự mất an toàn giữa hai mỏ đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vinh Quang Hòa Bình và của Công ty Cổ phần xi măng Lương Sơn. Ông Hoàng Quỳ ở xóm Rụt cho biết, hai mỏ khai thác đá nhiều năm nay, gây ô nhiễm môi trường, đường bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng bởi xe vận tải chạy suốt ngày đêm. Không biết bao nhiêu lần, ông Quỳ phải tự đi chở đất về lấp ổ voi, ổ gà ngay phía trước ngõ để cho con cháu và người dân trong xóm đi lại đỡ nguy hiểm.
Theo thống kê, đến cuối năm 2021, địa bàn Lương Sơn có 49 mỏ khoáng sản được cấp giấy phép khai thác và hiện tại có 34/49 mỏ đang hoạt động gồm: xã Hòa Sơn có hai mỏ đá bazan, xã Tân Vinh có một mỏ đá vôi, xã Cao Sơn có một mỏ đá vôi, xã Cư Yên hai mỏ đá vôi, xã Liên Sơn 14 mỏ đá vôi, xã Cao Dương 12 mỏ đá vôi, xã Thanh Cao hai mỏ đá vôi.
Bụi đá đầy trên bề mặt bể nước dự trữ sinh hoạt của người dân thôn Đồng Om, xã Cao Dương (Lương Sơn, Hòa Bình).Qua kiểm tra, rà soát các mỏ khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện, chỉ có 4/34 mỏ đảm bảo an toàn về khoảng cách tối thiểu từ cơ sở khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng đến khu dân cư; 30/34 mỏ đá chưa đảm bảo an toàn về khoảng cách tối thiểu theo quy định (500m) đến khu dân cư; 8 mỏ đã thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, 26 mỏ chưa thực hiện đầy đủ. Thêm vào đó các vấn đề như vận chuyển sản phẩm tiêu thụ qua các khu dân cư, các phương tiện vận chuyển quá khổ, quá tải làm rơi đá trong quá trình vận chuyển và mất an toàn giao thông, các tuyến đường giao thông nhanh xuống cấp, hư hỏng, khói bụi đá…
Nhiều nhà dân tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương (Lương Sơn, Hòa Bình) bị nứt do việc nổ mìn khai thác đá của các mỏ đá ở thôn Đồng Om.Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn Nguyễn Anh Đức cho biết, các mỏ đá khai thác quy mô và tần suất cao từ sau dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong các khu vực. Trước thực trạng này, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong các hoạt động khai thác khoáng sản, khoảng cách an toàn và sử dụng vật liệu nổ đối với các mỏ. Đồng thời, UBND huyện yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đặc biệt điều chỉnh lượng thuốc nổ một lần thích hợp với tình hình thực tế và khoảng cách an toàn đến các hộ gia đình đang sinh sống tiếp giáp khu vực khai thác. Về giải pháp lâu dài, UBND huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan bố trí khu tái định cư mới cho các hộ dân.
Các xe tải quá khổ, quá tải ra vào các mỏ đá tại xóm Rụt, xã Tân Vinh (Lương Sơn, Hòa Bình).Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ số 356/TP-TTCP về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại tỉnh Hòa Bình, huyện Lương Sơn cá biệt có hai dự án chưa được cấp nhưng vẫn hoạt động khai thác, gồm: Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình, tại xóm Rụt, xã Tân Vinh; Dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Trũng Ðô (KV5), xã Cao Dương, huyện Lương Sơn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác và Chế biến khoáng sản Hiền Lương. Hai công ty này vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và Nghị định của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược và kế hoạch bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Con đường đi về xóm Nước Vải và xóm Rụt xã Tân Vinh bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng bởi mật độ qua lại dày đặc của xe quá khổ quá tải chở vật liệu ra vào hai mỏ đá ở xóm Rụt.Khi được hỏi về trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường cho biết, UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập các tổ công tác liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì, kiểm tra tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Lương Sơn. Sau đó, Tổ công tác sẽ triển khai các địa bàn huyện thành phố còn lại; kiểm tra các yếu tố như nổ mìn, khai thác đúng thiết kế, duy trì các biện pháp bảo vệ môi trường…Trên cơ sở đó, Tổ công tác sẽ xem xét xử lý vi phạm nếu có và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Con đường đầy ổ voi, ổ gà vào xóm Nước Vải, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn (Hòa Bình).Những vấn đề trên vốn đã tồn tại nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhân dân tại huyện Lương Sơn do các mỏ khai thác đá gây ra trong thời gian dài.