Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM sáng 15-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chính phủ số là để phục vụ người dân tốt hơn. Kinh tế số là để người dân giàu hơn. Xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn. Do vậy chuyển đổi số là một hành trình dài đầy thách thức nhưng cũng đầy ý nghĩa.
Đó là khẳng định của các chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2022 với chủ đề về kinh tế số diễn ra ngày 15-4. Bằng các cơ chế chính sách ưu đãi "thực tế và thực sự hấp dẫn", TP.HCM xem đây là con đường nhanh nhất để phát triển kinh tế số nhanh và bền vững.
Ưu tiên trải nghiệm dịch vụ số
Bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết những hoạt động chuyển đổi mà TP.HCM đang hướng đến nhằm tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó các dịch vụ công sẽ được rút ngắn thời gian.
"TP.HCM đã số hóa toàn bộ hộ tịch và tiến tới thực hiện thủ tục cấp giấy khai sinh điện tử, giấy đăng ký kết hôn điện tử… Với doanh nghiệp là thanh toán điện tử và cấp hóa đơn điện tử", bà Trinh nói.
Bà Carolyn Turk, giám đốc Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại VN, khẳng định đầu tư chuyển đổi số không chỉ giúp TP.HCM vượt qua được giai đoạn khó khăn của đại dịch mà còn định hướng phát triển lâu dài.
Theo bà, World Bank đánh giá rất cao việc hỗ trợ của TP.HCM dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy vậy vẫn có khoảng trống giữa công nghệ với người tiêu dùng trong các trải nghiệm dịch vụ số hằng ngày như thanh toán, tiêu dùng, mua sắm… nên đây là lĩnh vực cần ưu tiên cải thiện hơn nữa.
"Khảo sát của chúng tôi cho thấy cứ 5 công ty ở VN chỉ có 1 công ty số hoàn toàn hoạt động vận hành. Việc sử dụng công nghệ 4.0 ở VN vẫn đang ở giai đoạn đầu nên chặng đường cho TP.HCM cũng như VN phía trước còn rất dài", bà Carolyn Turk nói.
Đồng thời cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ có 6 yếu tố cốt lõi gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, doanh nghiệp số, nền tảng công số, các dịch vụ tài chính số, kỹ năng, kỹ thuật số và cuối cùng là xây dựng niềm tin, an ninh mạng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Huy Dũng, thứ trưởng Bộ TT&TT, thời gian qua TP.HCM đã làm rất tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên muốn chất lượng tương đương các thành phố dẫn đầu trong khu vực phải nhanh chóng hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến với hệ thống một cửa điện tử đang phân tán thành một nền tảng giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, dùng chung trên phạm vi toàn thành phố.
"Nếu đột phá hơn, TP.HCM hãy tìm cơ chế cho phép nhiều bên, gồm cả các doanh nghiệp, cùng tham gia tối ưu hóa trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến. TP.HCM nên xác định mục tiêu là tối thiểu 70% hồ sơ xử lý trực tuyến và giảm 30% thời gian trung bình xử lý 1 thủ tục", ông Dũng gợi ý.
Dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn sôi động qua ứng dụng số tại VN. Trong ảnh: các shipper đợi lấy thức uống tại cửa hàng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Doanh nghiệp, Nhà nước cùng chung tay
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng đại dịch COVID-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số.
Đây là cơ hội để TP.HCM triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số... "Đây cũng là định hướng phát triển mới của thành phố, nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động", ông Nên khẳng định.
Theo ông Dương Thành Long, tổng giám đốc VNPT-IT, chuyển đổi số là chuyển đổi về mặt công nghệ kết hợp sự chuyển đổi về nhận thức, thay đổi về quy trình, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp... "Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp chính là đóng góp phần lớn động lực cho thúc đẩy kinh tế số quốc gia, địa phương", ông Long nói.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP, các chuyên gia tại diễn đàn kiến nghị TP.HCM cần các chính sách, giải pháp tạo nguồn lực phát triển các trụ cột của kinh tế số. Cần có chính sách ưu tiên phát triển nhân lực số.
TP.HCM cũng cần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng bằng các quy định, hấp dẫn thu hút các nguồn lực vào các dự án phát triển công nghệ số, hạ tầng số. Có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như tạo vốn kích cầu, ưu đãi giảm chi phí trong sử dụng dịch vụ công.
Đặc biệt cần có các chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) như hoàn thiện hệ thống luật pháp về đầu tư mạo hiểm, khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia với các công ty khởi nghiệp và hỗ trợ hệ sinh thái công nghệ tài chính...
Xây dựng TP.HCM là "thành phố digital"
Chiều 15-4, tại UBND TP.HCM diễn ra hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với đại diện 80 doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông.
Tại cuộc gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị Sở TT&TT, Hiệp hội Tin học TP.HCM thành lập diễn đàn số để có người tiếp thu phản hồi nhằm phát triển chuyển đổi số.
"Tôi mong muốn, khuyến khích hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, cá nhân tích cực tham gia để thành đồng tác giả chuyển đổi số của thành phố. Phải là cuộc cách mạng tạo sự phát triển đột phá, để thành phố có vị trí so với các nước trên thế giới, chứ không so sánh với 62 tỉnh thành còn lại" - ông Mãi nói.
Ông cũng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ có thể làm ngay: cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số; có chiến lược nguồn nhân lực; chiến lược đảm bảo an ninh an toàn thông tin; chiến lược dữ liệu; xây dựng TP.HCM là "thành phố digital".
XUÂN MINH
Ông Alfonso Garcia Mora, phó chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế khu vực châu Á:
Chính sách, hạ tầng, dịch vụ và kỹ năng
Việc Chính phủ Việt Nam thông qua Chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 là một bước đi cần thiết.
Một trong những mục tiêu của Chương trình quốc gia về chuyển đổi kỹ thuật số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đưa nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 30% GDP của cả nước vào năm 2030.
Tuy nhiên để thực hiện tham vọng này cần phải thực hiện 4 bước chính là: có sẵn chính sách, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kỹ năng. Đồng thời đảm bảo không ai, đặc biệt là phụ nữ, bị loại khỏi các hệ thống kỹ thuật số.
N.B. - Đ.T.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái:
Không triển khai theo kiểu phong trào
Phương châm về thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là "tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể".
Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số.
Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung.
Cách làm là những vấn đề đã có quy định hay được thực tiễn chứng minh là đúng thì tiếp tục thực hiện; còn những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng từng bước, không cầu toàn, không nóng vội.
Ông Nguyễn Huy Dũng, thứ trưởng Bộ TT&TT:
Mỗi người dân là một doanh nhân số
Công thức thành công của người Việt Nam là Nhỏ - Nhanh - Gần và Cơ động. Khi người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, họ thấy được lợi ích và sẽ phát triển kinh tế số và xã hội số. Mỗi người dân có cơ hội trở thành một doanh nhân số.
Mỗi doanh nghiệp, mỗi hộ sản xuất kinh doanh có cơ hội trở thành một doanh nghiệp số. Chuyển đổi số thành công thì cần nhỏ tới mức từng người dân, từng doanh nghiệp, từng tổ chức nhỏ. Vì nhỏ nên có thể nhanh, linh hoạt. Với chuyển đổi số , cá nhanh sẽ thắng cá chậm, chứ không phải cá to nuốt cá bé.