Người canh biên giới Tây Nam: 'Đêm nay anh em ta thức trắng'

3 năm trước 304
 Đêm nay anh em ta thức trắng - Ảnh 1.

Mương Sáu Nhỏ cạn dòng, binh nhất Phàm lội bùn đưa rước chiến sĩ tăng cường làm nhiệm vụ - Ảnh: CHÍ CÔNG

Rẽ dòng kênh Vĩnh Tế, đến đầu mương Sáu Nhỏ, đại úy Liệt hô to: "Nước cạn! Đồng chí Phàm nhắm chạy vỏ vào chốt canh cùng anh em canh giữ được không?". "Dạ được!" - chiến sĩ binh nhất Nguyễn Nhật Phàm kìm chắc tay lái, cố nài tay ga cho máy chạy lớn.

Còn đại úy Liệt - Bùi Văn Liệt, phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn (ở khóm Vĩnh Tây 2, P.Núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang) ngồi trên vỏ lãi nhìn về hướng cánh đồng xanh màu mạ non - nơi có đường biên giới dài 15.4km và 6 cột mốc chính (từ mốc 264 đến 269) và 23 mốc phụ, phân chia lãnh thổ Việt Nam - Campuchia.

"Đêm nay anh em ta thức trắng"

Con nước ròng mạnh. Hai bên bờ mương Sáu Nhỏ lồi mé bùn non. Do đó, càng tiến vô sâu nội đồng vỏ lãi càng mắc lầy. Tắt máy, chiến sĩ binh nhất Phàm nhanh như chớp lội bùn, kéo vỏ vào chốt. Mây đen vần vũ đổ mưa nên trời lúc này tối nhanh. Gió ải biên cõng theo sương đêm thổi mạnh. Ở chốt canh số 15, tôi ngồi trò chuyện cùng đại úy Liệt mà nghe giá lạnh thấm dần vào thớ thịt.

Đại úy Liệt cho biết đoạn biên giới đồn phụ trách là đồng bằng, có 5 kênh rạch thông qua biên giới (rạch Chắc Ri, rạch Cây Gáo, mương Sáu Nhỏ, rạch Miễu Ngói Nhỏ và rạch Miễu Ngói Lớn) và có 2 đường mòn cắt qua biên giới. Đó là đường Cộ sang gò Thma Bei Dom và đường mòn Thị Đội, nên cư dân hai bên rất thuận tiện qua lại cả mùa khô lẫn mùa nước nổi.

Để siết chặt người từ xã Chey Chouk và ấp Thma Bei Dom (xã Kampong Krasang, huyện Bourei Cholsar, tỉnh Tà Keo, Campuchia) nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, đồn đã lập 2 tổ kiểm soát lưu động và xây 26 chốt canh giữ dọc đường biên giới (mỗi chốt cách nhau khoảng 300m). Nói là chốt nhưng tôi thấy chúng được cất bán kiên cố bằng cây, và mái che còn sử dụng bạc nilông.

Ban ngày, ở chốt cùng các chiến sĩ, tôi cảm nhận cái nắng nóng hầm hì. Đêm về gió thổi lạnh buốt. Muỗi, kiến, bồ hóng theo ánh đèn bay vào chốt canh bu quanh cắn, đốt tôi và các anh chiến sĩ rất nhiều. Gian khổ là vậy, nhưng các chiến sĩ vẫn giữ vững ý chí, bám giữ biên cương, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch COVID-19.

"Mỗi chốt canh có 4 - 5 đồng chí canh giữ và luôn thay phiên nhau đi tuần tra. Cách 2 tiếng sẽ nhóm 2 người đi. Đi xong, 2 đồng chí khác tiếp tục tuần tra. Cứ thế anh em chiến sĩ thức trắng canh giữ" - đại úy Liệt nói về lịch công tác tuần tra dày đặc của anh em chiến sĩ, vì thời gian gần đây thủ đoạn nhập cảnh trái phép của người từ phía Campuchia về Việt Nam rất tinh vi.

Theo đại úy Liệt, ban đầu lợi dụng địa hình cách trở, nhiều lùm cây, họ lén lút nhập cảnh trái phép vào ban đêm (khoảng 9 giờ tối đến 3 giờ sáng). Sau này, ban ngày họ cũng sẵn sàng giả làm nông dân đi đồng quăng phân, xịt thuốc, làm cỏ, giặm lúa… để qua mặt cán bộ, chiến sĩ lẻn vào Việt Nam trái phép.

 Đêm nay anh em ta thức trắng - Ảnh 2.

Ban đêm, chiến sĩ bộ đội Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn đi dọc bờ ruộng để tuần tra, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép - Ảnh: CHÍ CÔNG

Chặn đầu cả bộ lẫn sông để bắt

Đại úy Liệt dặn dò thiếu úy Cao Văn Hùng, chốt trưởng chốt số 15, rằng: "Đồng chí Hùng và anh em tăng cường cảnh giác. Phát hiện người nhập cảnh trái phép đồng chí nhớ báo lại cho thiếu úy Long cụm trưởng! Chúng ta cùng cố gắng làm tốt nhiệm vụ!". "Rõ" - thiếu úy Hùng đáp.

Xuống chốt canh số 15, đại úy Liệt không quên đưa tay về hướng cột mốc 268/2 (ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế - TP Châu Đốc) nói vào khoảng 10h30 ngày 24-4 vừa qua, chốt công tác phòng chống dịch COVID-19 số 22 gồm: thiếu úy Nguyễn Thanh Tình, chốt trưởng và 5 chiến sĩ phát hiện 1 đối tượng nhập cảnh trái phép đi từ hướng Campuchia về Việt Nam tránh dịch.

"Các đồng chí sẵn sàng, tôi thấy có một đối tượng muốn nhập cảnh trái phép vào Việt Nam" - đồng chí Tình nói khi phát hiện người khả nghi.

Nói xong, thiếu úy Tình không quên điện thoại về báo cáo thiếu tá Nguyễn Trương Phong, đồn trưởng Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn, chi viện thêm lực lượng lưu động kiểm soát đường sông chạy vỏ lãi chặn đầu ở rạch Miễu Ngói Lớn (rạch thông ra kênh Vĩnh Tế về đất liền TP Châu Đốc) để vây bắt đối tượng.

Siết chặt vòng vây cả bộ lẫn sông, đối tượng L.T.S. (ở huyện An Phú, An Giang) đi làm thuê ở Campuchia nhập cảnh trái phép về Việt Nam đã bị bắt giữ, làm thủ tục, đưa đi cách ly đúng theo quy định.

Những ngày này, thiếu tá Phong, đại úy Liệt và hơn 155 chiến sĩ (gồm 91 đồng chí biên phòng, 34 đồng chí dân quân và 30 đồng chí công an địa phương) tăng cường tuần tra kiểm soát 24/24 giờ. Đặc biệt, đêm về bất chấp bùn dơ, đường lầy lội khó khăn, các chiến sĩ vẫn âm thầm lội đồng, lội ruộng, canh gác. Lắm lúc mưa dông, sấm chớp đầu mùa, chốt canh bị dột nát, các anh mỗi người ngồi một góc nhưng vẫn gọi đèn, dõi mắt "xuyên đêm" giữ vững biên ải.

"Vĩnh Ngươn là điểm nóng mà các đối tượng nhập cảnh trái phép và buôn lậu, thương mại. Vì thế trong thời gian vừa qua, đơn vị triển khai 26 chốt trên biên giới và 2 tổ lưu động siết chặt nên tình hình nhập cảnh trái phép giảm rõ. Tới đây chúng tôi dự định tăng cường chốt canh để đảm bảo dọc dài theo đường biên giới chốt liền chốt thấy nhau, anh em sẽ dễ siết chặt hơn" - thiếu tá Phong cho biết.

 Đêm nay anh em ta thức trắng - Ảnh 3.

Mỗi chốt canh giữ có 5 người làm nhiệm vụ - Ảnh: CHÍ CÔNG

 Đêm nay anh em ta thức trắng - Ảnh 4.

Dọc 15,4km đường biên giới, các anh chiến sĩ bộ đội luôn tuần tra 24/24 giờ để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép - Ảnh: CHÍ CÔNG

 Đêm nay anh em ta thức trắng - Ảnh 5.

Dọc 15,4km đường biên giới, các anh chiến sĩ bộ đội luôn tuần tra 24/24 giờ để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép - Ảnh: CHÍ CÔNG

 Đêm nay anh em ta thức trắng - Ảnh 6.

Đại úy Liệt chỉ tay về hướng Campuchia - nơi người nhập cảnh trái phép hay lẻn về Việt Nam - Ảnh: CHÍ CÔNG

Nuôi gà, trồng rau - các chiến sĩ tính đến phương án phòng chống dịch lâu dài

Bên cạnh việc vận động tuyên truyền người dân địa phương cùng ngăn chặn người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam, góp phần phòng chống dịch bệnh COVID-19, Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn cũng tính đến phương án chống dịch lâu dài bằng cách tận dụng những bờ đê rộng nuôi thử gà, hay trồng rau phục vụ ăn uống cho các chiến sĩ tại chỗ.

"Dù được quan tâm rất nhiều nhưng theo tôi thấy, điều kiện sinh hoạt đi lại và ăn uống của chiến sĩ còn gặp khó. Ở các chốt, chiến sĩ lội bộ hay đi vỏ, xuồng ra chợ cũng mất 1,4km. Nuôi ít con gà, tôi nghĩ các anh chiến sĩ đỡ vất vả đi chợ mua đồ và có thêm thời gian để quan sát biên giới kỹ hơn", thiếu tá Phong bày tỏ.

Cùng biên giới chống dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước giáp Việt Nam. Lực lượng bảo vệ biên giới, ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang túc trực 24/24 giờ, nỗ lực hết mình trong nhiều khó khăn.

Báo Tuổi Trẻ sẽ hỗ trợ khẩn cấp trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch tuyến biên giới. Đặc biệt, chương trình sẽ hỗ trợ những cư dân ở biên giới có hoàn cảnh khó khăn đang hỗ trợ lực lượng chức năng vùng biên cùng phòng chống dịch COVID-19.

Bạn đọc ủng hộ chương trình "Cùng biên giới chống dịch COVID-19" có thể ủng hộ kinh phí hoặc các sản phẩm thiết yếu (trang thiết bị y tế phòng chống dịch: khẩu trang, nước sát khuẩn; nhu yếu phẩm, thực phẩm...), trang thiết bị hỗ trợ tuần tra (chăn, màn; lều trại di động; đèn soi sáng...) cho chương trình. Quà tặng, kinh phí ủng hộ chương trình, các công ty, đơn vị và bạn đọc có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.

Ngoài ra, có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung chuyển tiền: "Cùng biên giới chống dịch COVID-19". Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn dịch xâm nhậpBiên giới Tây Nam quyết liệt ngăn dịch xâm nhập

TTO - Trong bối cảnh Campuchia đối mặt nguy cơ "vỡ trận" do dịch COVID-19 theo cảnh báo của WHO và Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục, các tỉnh biên giới Tây Nam ráo riết đề ra nhiều kế hoạch để quản lý tuyến đường biên giới chặt chẽ hơn nữa.

Nguồn bài viết