Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng việc hợp tác này góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - Ảnh: A.H.
Chiều 22-2, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã ký kết hợp tác chiến lược với Nam Miền Trung Group.
Đây là một trong những chương trình hướng đến lĩnh vực thủy sản lớn nhất trong năm 2022 của ngân hàng nhằm góp phần phát triển ổn định ngành tôm trong tình hình mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tôm Việt nói riêng và ngành thủy sản nói chung.
Tại buổi ký kết, ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Miền Trung - cho biết ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng có tiềm năng rất lớn. Trong năm 2022, ước tổng diện tích nuôi tôm đạt 745.000ha và sản lượng 980.000 tấn tôm thương phẩm.
Ngành tôm đóng góp đến 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên thực trạng ngành tôm Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như giá nguyên liệu đầu vào cao, giá tôm nguyên liệu cao, hoạt động sản xuất chưa ổn định, người nuôi tôm chưa được hưởng lợi mặc dù giá tôm cao.
Để giải quyết vấn nạn này, phải xây dựng chuỗi khép kín hoàn thiện, giải quyết vấn đề con giống, kỹ thuật, thức ăn, vi sinh, bao tiêu đầu ra, bảo đảm giá thành cho người nuôi tôm... Từ đó, nâng cao giá trị cho ngành tôm Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Tâm - tổng giám đốc Nam A Bank - cho biết theo định hướng phát triển của ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, quyết định số 150 của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng mong muốn đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn cùng các doanh nghiệp xây dựng phát triển hệ sinh thái ngành thủy sản, đặc biệt là tôm xuất khẩu nhằm tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.
"Với việc ký kết thỏa thuận trên, hai bên đặt mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam lên đến 30.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025. Qua đó giúp cho ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung gia tăng giá trị, phát triển và nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản, thúc đẩy nền kinh tế trong những năm tới đây", ông Tâm nói.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM - cho rằng việc hợp tác này không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh mà thông qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
"Đặt trong bối cảnh đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ nói chung và TP.HCM nói riêng, sự hợp tác này có ý nghĩa rất lớn về việc thực hiện nghị quyết 11 và các giải pháp của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định, phục hồi và phát triển kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Lệnh nói.