Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay chứng khoán đến ngày 14-4 đạt khoảng 46.000 tỉ đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2020. Trong ảnh: nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường - Ảnh: L.THANH
Trao đổi với báo chí về công tác điều hành chính sách tiền tệ quý 1 của Ngân hàng Nhà nước vào chiều 22-4, ông Nguyễn Tuấn Anh - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - cho biết sáng 22-4, Chính phủ đã họp đánh giá về thị trường chứng khoán.
"Tại cuộc họp này, Ủy ban Chứng khoán báo cáo tăng trưởng thị trường chứng khoán chưa có vấn đề gì nóng.
Còn Ngân hàng Nhà nước theo dõi, đến ngày 14-4, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán đạt khoảng 46.000 tỉ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với ngày 31-12-2020.
Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,5 triệu tỉ đồng, dư nợ tín dụng cho vay chứng khoán chiếm chưa đến 0,5%. Đây là tỉ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro là bất động sản, chứng khoán" - ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2 và 3, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 42.590 tỉ đồng và 45.326 tỉ đồng, giảm 7 và 1% so với cuối năm 2020. So sánh với thời điểm ngày 14-4, dư nợ cho vay chứng khoán đang tăng trở lại.
Phân tích về dư nợ cho vay ngắn hạn đối với chứng khoán, tính đến hết tháng 2, tỉ trọng này chiếm chủ yếu với 96,21%. Tín dụng tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khác chiếm 48,42%, ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chiếm tới 43,47%.
Cụ thể, dư nợ chứng khoán tập trung ở một số ngân hàng như Vietcombank chiếm 25,75%; BIDV: 13,47%; Techcombank: 12,46%, VIP: 5,25%... tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống.