Ngân hàng tố nhà mạng không xử lý tin nhắn mạo danh còn neo phí tin nhắn cao

3 năm trước 232
Ngân hàng tố nhà mạng không xử lý tin nhắn mạo danh còn neo phí tin nhắn cao - Ảnh 1.

Tin nhắn mạo danh ngân hàng lừa người dùng rộ lên trong suốt thời gian qua - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Bức xúc này vừa được nêu ra trong văn bản của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) gửi đến bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông. 

Theo VNBA, hiện tại các ngân hàng đang sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các doanh nghiệp viễn thông để thông báo tới khách hàng thông tin biến động số dư tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, thông tin giao dịch chi tiêu thẻ, thông tin lịch trả tiền vay, sao kê.

Đặc biệt, tin nhắn SMS Brandname còn dùng để gửi mã xác thực OTP (One-Time-Password) cho các giao dịch tài chính khách hàng thực hiện trên các kênh điện tử như Internet Banking, Mobile Banking… phát sinh ngay khi khách hàng thực hiện giao dịch. 

Theo VNBA, kể từ khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID, số lượng giao dịch qua các kênh điện tử tại các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao và lượng tin nhắn tổ chức tín dụng gửi cho khách hàng qua dịch vụ SMS cũng tăng tương ứng.

"Việc các doanh nghiệp viễn thông áp giá phí tin nhắn áp dụng cho hệ thống ngân hàng cao hơn so với giữa các cá nhân nhắn tin với nhau là do nhà mạng phải đảm bảo bảo mật và an toàn hơn cho các tin nhắn này. 

Tuy nhiên các nhà mạng lại lơ là không chịu xử lý triệt để khiến tình trạng tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng để lừa đảo người dân hiện vẫn còn diễn ra", VNBA nêu trong văn bản.

Nơi này cũng đề nghị các nhà mạng phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn không để  các đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng qua các nhà mạng.

Cước tin nhắn không chịu giảm

Một bức xúc khác của các ngân hàng là giá cước các tin nhắn thương hiệu quá cao. Dù từ đầu năm 2020 đến nay đã gửi 3 văn bản đến bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ với các ngân hàng qua việc giảm phí cước viễn thông, nhưng đến nay nhà mạng vẫn neo giá cước tin nhắn thương hiệu với mức giá gấp 3 so với tin nhắn thông thường.

Chẳng hạn, đối với khách hàng doanh nghiệp (bao gồm các tổ chức tín dụng), MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. 

Trong khi đó Viettel thu 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính; Vietnammobile, Beeline thu 280-400 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng, truyền thông không yêu cầu bảo mật, gửi tức thì. 

Đối với khách hàng cá nhân, Viettel thu 100-300 đồng/SMS, VinaPhone thu 99-350 đồng/SMS, MobiFone thu 200-350 đồng/SMS.

"Một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15-20 triệu tin nhắn/tháng, còn ngân hàng quy mô lớn phát sinh khoảng 50-80 triệu tin nhắn/tháng. Các ngân hàng đã miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng đều phải bù lỗ khi phải trả chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông. Ước tính chi phí viễn thông cả hệ thống các tổ chức tín dụng phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi tháng", VNBA tính toán.

Chưa kể hai năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số và giảm giao dịch tại quầy dẫn đến gánh nặng chi phí tin nhắn phải trả của các ngân hàng ngày càng cao. 

VNBA đề nghị bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì việc miễn, giảm phí cho khách hàng.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, thời gian qua, để chia sẻ khó khăn với người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã giảm phí lần 2 trong năm 2021 với giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành, áp dụng từ ngày 1-8-2021 đến cuối năm 2021.

Trên cơ sở mức phí mà NAPAS điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua NAPAS và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng. Mức giảm phí tối thiểu bằng mức phí mà NAPAS giảm.

Sau đó nhiều ngân hàng đã công bố giảm phí, như Vietcombank giảm hàng loạt loại phí dịch vụ trên toàn bộ các kênh quầy giao dịch, ATM, Ngân hàng số VCB Digibank, VCB_iB@nking và VCB Money, áp dụng từ 1-8 đến hết ngày 31-12-2021...

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng trong trường hợp chủ thẻ thanh toán thẻ trễ hạn. Cụ thể, trong 3 kỳ sao kê của tháng 7, 8, 9-2021, Nam A Bank sẽ không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng khi chủ thẻ trả trễ hạn nhằm góp phần đồng hành với khách hàng gặp khó khăn về tài chính. Đồng thời, chủ thẻ ghi nợ nội địa Nam A Bank Napas cũng được miễn phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip contactless…

Lừa đảo hơn 570 triệu đồng bằng nhắn tin trúng thưởngLừa đảo hơn 570 triệu đồng bằng nhắn tin trúng thưởng

TT - Sáng 1-10, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng với ba đối tượng.

Nguồn bài viết