Ngân hàng Thế giới sắp công bố báo cáo đánh giá Quốc gia 2021 về Việt Nam

1 năm trước 129
Ngân hàng Thế giới sắp công bố báo cáo đánh giá Quốc gia 2021 về Việt Nam - Ảnh 1.

Các diễn giả chính tại Lễ báo cáo ngày 18-5

Lễ Công bố Báo cáo cập nhật Đánh giá Quốc gia 2021 (SCD) của Ngân hàng Thế giới, diễn ra vào thứ 4, ngày 18-5, sẽ thực hiện tiếp sóng trực tiếp trên các các nền tảng của báo Tuổi Trẻ gồm Tuổi Trẻ Online, fanpage và Youtube Tuổi Trẻ. 

Năm nay, cáo cáo cập nhật Đánh giá Quốc gia của Nhóm Ngân hàng Thế giới có tên Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả, sẽ tập trung mở chìa khóa thể chế để Việt Nam có thể hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. 

Báo cáo quan trọng này phân tích các ưu tiên phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới, và quan trọng là đề xuất một nền tảng gồm 5 cải cách thể chế giúp Chính phủ thực thi các ưu tiên phát triển hiệu quả hơn. 

Trong buổi lễ công bố, ba diễn giả uy tín trong các lĩnh vực chính sách công, học thuật, và khu vực tư nhân của Việt Nam sẽ chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình liên quan tới chủ đề. 

Theo nhóm tác giả, báo cáo sẽ chỉ ra những thách thức mà mô hình tăng trưởng truyền thống của Việt Nam đang phải đối mặt và càng lộ rõ hơn trong đại dịch COVID-19. Cùng với đó là xu hướng toàn cầu hóa chững lại, nguy cơ quốc gia ngày càng dễ tổn thương đối với những cú sốc bên ngoài, đặc biệt với rủi ro khí hậu. 

Mặc dù đã triển khai rất hiệu quả những ưu tiên về mở cửa thương mại, chuyển đổi số và hòa nhập xã hội, Việt Nam chưa đạt được nhiều tiến triển trong việc thực thi những ưu tiên khác như tăng trưởng xanh, tài chính toàn diện và nâng cấp hạ tầng.

Sau khi xác định một loạt những ứng phó chính sách và ưu tiên cải cách, phần nhiều trong đó không phải là mới, báo cáo nhận định rằng thể chế hiện đại, có tính thích ứng sẽ là chìa khóa để đảm bảo thành công. Từ đó, đặt vấn đề Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải thiện rõ rệt năng lực của Chính phủ trong phối hợp và triển khai những cải cách chính sách kinh tế và đầu tư công. 

Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới cũng đã đề xuất cách tiếp cận cụ thể về cải cách thể chế theo một mô hình phương pháp luận đơn giản nhưng trực quan. Điểm khởi đầu là thể chế cần được thiết kế sao cho đảm bảo thực thi được những ưu tiên phát triển của quốc gia với hiệu suất và hiệu quả cao nhất.

Theo lời của giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk, cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu.

Qua triển khai một cách có hệ thống năm cải cách thể chế mà Ngân hàng thế giới đề xuất, nhóm nghiên cứu tin rằng Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho tầm nhìn phát triển kinh tế, tăng cường năng lực để triển khai những chiến lược của quốc gia. 

Ngoài ra, các cải cách này còn giúp nâng cao động lực để đem lại kết quả cao hơn trong một số lĩnh vực quan trọng - tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tài chính toàn diện, an sinh xã hội và nâng cấp hạ tầng - qua đó giúp quốc gia hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình.

Nguồn bài viết