Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - nguyên phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết ngáy khi ngủ gặp ở rất nhiều người, trong đó thường gặp nhất là người có bệnh lý về tim mạch, thân hình béo phì, cổ ngắn...
Người nào có tiếng ngáy càng to thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. Vì thân hình béo phì và cổ ngắn nên khi nằm ngửa thì dây thanh âm của họ bị gấp, làm đường thông khí không được thông suốt, nên tạo ra âm thanh (tiếng ngáy) khi ngủ.
Một người có biểu hiện ngáy khi ngủ chứng tỏ cơ thể họ bị thiếu oxy, trong đó các tế bào não, thần kinh và cơ tim... nhạy cảm nhất nên ảnh hưởng nhiều nhất.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, người có tiếng ngáy đều đều thì thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên với những người ngáy với tốc độ tăng tiến thì rất nguy hiểm (tức là thời gian đầu giấc ngủ ngáy ít nhưng sau đó ngáy tăng dần đều rồi đến một khoảng thời gian nhất định lại ngưng thở vài giây và tiếp tục ngáy lại).
Trước nhiều thắc mắc cho rằng người ngáy khi ngủ nhanh vào giấc ngủ hơn so với người bình thường, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho đây chỉ là biểu hiện của việc thiếu máu não, còn gọi là ngủ gà.
Những người này chỉ cần nằm xuống là chợp mắt và chìm vào giấc ngủ ngay nhưng giấc ngủ này lại không sâu, không đảm bảo chất lượng bằng giấc ngủ chậm. Họ cũng dễ tỉnh giấc, thậm chí giật mình khi có động tĩnh hoặc nghe ai đó than phiền rằng họ ngủ ngáy to.
Bên cạnh đó, nếu hàng ngày chúng ta hoạt động quá sức thì cũng dễ bị ngáy khi ngủ và giấc ngủ kém chất lượng hơn. Với những người càng lớn tuổi, các dây thanh âm càng bị nhão, không khí đi vào khó hơn, nên họ cũng thường ngáy nhiều hơn.
Vậy có cách nào để chữa chứng ngáy khi ngủ? Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam hướng dẫn người dân cần giữ cân nặng ở mức ổn định, và giảm cân khi béo phì.
Khi ngủ nên chọn loại gối cao vừa phải, thay vì chọn gối quá cao. Đồng thời chú ý tư thế ngủ đúng, giúp hạn chế ngáy là nằm nghiêng bên phải, còn với tư thế nằm ngửa thì không tốt.
Trong một số trường hợp có thể đặt máy chống ngáy dưới cằm khi ngủ, với tác dụng chính là giữ thẳng cổ và không để cổ bị thấp.
Tốt nhất, những người bị ngáy khi ngủ nên đến các cơ sở y tế thăm khám. Thông thường bác sĩ sẽ cho bệnh nhân đeo một loại máy để đánh giá hơi thở trong suốt 24 tiếng đồng hồ, đặc biệt theo dõi sát thời gian về đêm khi ngủ.
Kết quả này hiển thị thành biểu đồ (giống như đo điện tim) và bác sĩ căn cứ vào kết quả này để có phương án điều trị phù hợp.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.