Ngành hàng không đề nghị được 'cứu' bằng 2 gói vay ưu đãi

3 năm trước 205
Ngành hàng không đề nghị được cứu bằng 2 gói vay ưu đãi - Ảnh 1.

Do dịch COVID-19 làm lượng khách đi máy bay giảm, từ ngày 17-5, sân bay Nội Bài tạm dừng khai thác sảnh E, chỉ khai thác tại sảnh A và B nhà ga hành khách T1 - Ảnh: NTA

Chiều 28-9, Ngân hàng Nhà nước chủ trì cuộc họp với một số tổ chức tín dụng và các hãng hàng không để tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Kiến nghị được vay 0% và ngân sách cấp bù 4% lãi suất

Nêu các khó khăn của ngành hàng không, tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Bùi Doãn Nề cho biết giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, nhất là đợt thứ 4, đã làm hoạt động các hãng hàng không bị đình trệ, thiệt hại nặng nề.

Doanh thu ngành hàng không từ cuối tháng 5 đến nay giảm 80 - 90%. Hiện các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều bị dừng.

Trong khi doanh thu của các hãng hàng không giảm mạnh nhưng các chi phí cố định như thuê máy bay… vẫn phải chi trả, khiến thanh khoản giảm, nhiều khoản nợ không thể thanh toán đúng hạn. Ước tính mỗi ngày các hãng hàng không phải chi trên 100 tỉ đồng trong thời gian máy bay ngừng bay.

Với những khó khăn nêu trên, theo ông Nề, tổng nhu cầu cần hỗ trợ của các hãng bay là 30.000 tỉ đồng. Bởi hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất cả nước đã lên tới 36.000 tỉ đồng, trong đó riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam 20.000 tỉ đồng.

Để "cứu" ngành hàng không vượt qua khó khăn, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu hỗ trợ tín dụng của các hãng bay, ông Nề kiến nghị ngành ngân hàng sớm có hai gói hỗ trợ. Cụ thể:

Gói 1 được áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay với lãi suất 0%/năm như đã áp dụng với Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỉ đồng, thời hạn tối đa 3 năm.

Gói 2 cho phép các hãng hàng không được vay gói hỗ trợ 25.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù 4%) trong thời gian 3-4 năm.

Về phía ngân hàng, đại diện BIDV kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện các chính sách tài trợ cho các hãng hàng không đang lỗ liên tục và chưa xác định rõ được khả năng trả nợ trong tương lai. Vì nếu như theo chính sách cấp tín dụng, BIDV phải giảm dần dư nợ, yêu cầu các hãng hàng không phải trả nợ.

Đại diện HDBank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới giới hạn tín dụng để ngân hàng có thể cho vay hỗ trợ nền kinh tế cũng như các hãng hàng không.

Sẽ sớm đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất lên Chính phủ

Kết luận cuộc họp, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - khẳng định ngành ngân hàng luôn chia sẻ, đồng hành với nền kinh tế, trong đó có ngành hàng không.

Ông Tú đề nghị các ngân hàng thương mại ưu tiên cho các hãng hàng không vay. Vì đây là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và khả năng dịch được khống chế, hoạt động bay trở lại được thì sẽ hồi phục nhanh.

Cùng với việc ưu tiên vốn cho các hãng bay, các ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay đối với các hãng hàng không, trong đó chủ động mạnh dạn cho vay tín chấp.

"Nhu cầu vay vốn của ngành hàng không khá lớn. Nên để các hãng hàng không hồi phục, nếu cần tăng hạn mức tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ nới bổ sung" - ông Tú nói.

Ngoài ra, theo ông Tú, về việc cơ cấu lại nợ, từ nay đến ngày 30-6-2022 nếu doanh nghiệp vẫn còn quá khó khăn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh quy định để hỗ trợ ngành hàng không.

Đặc biệt, tới đây các bộ gồm Kế hoạch - đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp nghiên cứu để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm trình lên Chính phủ.

Nhân viên hãng hàng không nước ngoài khó ‘3 tại chỗ’ vì 2-3 ngày mới có một chuyến bayNhân viên hãng hàng không nước ngoài khó ‘3 tại chỗ’ vì 2-3 ngày mới có một chuyến bay

TTO - UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện '3 tại chỗ' nhưng các hãng hàng không nước ngoài kêu khó khi 2-3 ngày mới có 1 chuyến bay tại sân bay Nội Bài.

Nguồn bài viết