Nguồn cung mặt hàng thực phẩm tươi sống cho TP.HCM vẫn ổn định - Ảnh: N.TRÍ
Thông tin trên được Sở Công thương TP.HCM đưa ra tại buổi cung cấp thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn TP.HCM diễn ra chiều 9-6.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, qua theo dõi, giá trứng trong chương trình bình ổn thị trường hiện vẫn ổn định và không có chuyện thiếu trứng. Tuy vậy, khi giá đầu vào tăng nhưng giá đầu ra không tăng thì nhu cầu tái đàn của người nuôi sẽ không cao, dẫn đến nguồn cung trứng tới đây có thể sụt giảm. Do đó, giá bán có thể sẽ điều chỉnh tăng.
"Đơn vị đang cùng với Sở Tài chính và các sở ngành tham mưu với UBND TP để có những giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ đơn vị sản xuất tái đàn, tái đầu tư. Nếu sắp tới giá trứng có tăng thì cũng ở mức độ phù hợp", ông Phương thông tin.
Đối với sản phẩm thịt gà và heo trong diện bình ổn, đại diện Sở Công thương cho biết nguồn cung hiện dồi dào, giá bán ổn định, thậm chí nhiều sản phẩm thịt heo đang được các đơn vị như Vissan, CP... áp dụng khuyến mãi.
Theo cơ quan này, giá trứng bình ổn tới tay người tiêu dùng vẫn đang giữ ổn định với 29.500 đồng/chục trứng gà và 35.000 đồng/chục trứng vịt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã đề xuất xin tăng 1.000 - 2.000 đồng/chục. Còn lại, đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm khác trong chương trình bình ổn hiện vẫn chưa có đơn vị nào xin tăng giá bán.
"Trường hợp cho tăng giá hàng bình ổn thì mức tăng sẽ hợp lý, đảm bảo thấp hơn 5 - 10% so với giá thị trường. Với nguồn cung nhiều mặt hàng bình ổn chiếm 30 - 40% trong tổng nguồn cung cho TP, việc duy trì giá bán bình ổn ở mức tốt sẽ giúp giá thị trường ổn định hơn", lãnh đạo Sở Công thương thông tin.
Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết TP sẽ tiếp tục theo dõi tình hình cung cầu, giá cả thị trường để phát huy tốt công cụ bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, TP tăng cường tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi tập trung bắt đầu từ giữa tháng 6-2022.
"Nhìn chung 5 tháng đầu năm 2022, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu (chưa bằng cùng kỳ), tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu", ông Vũ nhận định.
Tăng cường hỗ trợ xúc tiến thị trường
Để hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin về thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các hiệp định đã ký kết, Sở Công thương tham mưu UBND TP tổ chức hội chợ hàng xuất khẩu Việt Nam và tổ chức chuỗi các sự kiện hội thảo, tọa đàm, kết nối xuất nhập khẩu theo từng thị trường (định kỳ hằng tháng).
Doanh thu bán lẻ, xuất khẩu tăng
Theo Sở Công thương TP.HCM, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ TP ước đạt 275.967 tỉ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu TP lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 17,70 tỉ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, kim ngạch nhóm nông - lâm - thủy sản ước đạt 2,44 tỉ USD, tăng 30,6%; nhóm hàng công nghiệp đạt 12,94 tỉ USD, tăng 10,8%...
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP của TP (chỉ số sản xuất công nghiệp) ước tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí, điện tử, hóa dược và chế biến thực phẩm) ước tăng 5,6% so với cùng kỳ. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng.