Nguồn cung gạo toàn cầu giảm vì thời tiết khắc nghiệt

2 năm trước 188
Nguồn cung gạo toàn cầu giảm vì thời tiết khắc nghiệt - Ảnh 1.

Gạo dỡ từ xe tải xuống tàu xuất khẩu tại cảng gạo chính của Ấn Độ Kakimada Anchorage - Ảnh: REUTERS

Hai năm qua, gạo đã chống lại được xu hướng tăng giá trong bối cảnh mùa màng bội thu và tồn kho lớn tại các nhà xuất khẩu, bất chấp dịch COVID-19, chuỗi cung ứng và cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên theo Hãng tin Reuters, thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu tại châu Á - nơi chiếm khoảng 90% sản lượng gạo thế giới - có khả năng làm thay đổi quỹ đạo giá.

Ông Phin Ziebell, kinh tế gia về nông nghiệp tại Ngân hàng Quốc gia Úc, cho biết: "Gạo có tiềm năng tăng giá, do khả năng sản xuất giảm ở các nước xuất khẩu chủ chốt".

Ông Ziebell nói với Reuters: "Giá gạo tăng sẽ tạo thêm thách thức lớn đối với khả năng chi trả lương thực ở các nước đang phát triển".

Mưa liên tục ở vành đai ngũ cốc của Ấn Độ, đợt nắng nóng ở Trung Quốc, lũ lụt ở Bangladesh và ảnh hưởng của thời tiết đối với gạo Việt Nam, có thể hạn chế sản lượng của 4 trong số 5 nhà sản xuất gạo lớn trên thế giới.

Nhà kinh tế của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc Shirley Mustafa cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến ​​những thất bại liên quan đến thời tiết ở một số quốc gia sản xuất gạo chủ chốt. Tình hình này có thể dẫn đến sản lượng thấp hơn, nếu điều kiện không được cải thiện trong vài tuần tới".

Theo ông BV Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, thời tiết xấu đã dẫn đến việc giảm 13% diện tích trồng lúa trong thời gian gần đây và có thể khiến sản lượng giảm 10 triệu tấn hoặc khoảng 8% so với năm 2021.

Dự trữ gạo và gạo đã xay xát ở Ấn Độ tính đến ngày 1-7 đạt tổng cộng 55 triệu tấn, so với mục tiêu là 13,54 triệu tấn, giúp giữ giá gạo toàn cầu giảm trong năm qua. 

Chưa kể, Ấn Độ còn lô hàng kỷ lục 21,5 triệu tấn gạo vào năm 2021 - nhiều hơn tổng lượng xuất khẩu của 4 nhà sản xuất lớn nhất thế giới tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.

Ở Việt Nam, mưa khi thu hoạch đã gây ảnh hưởng lớn. "Chưa bao giờ tôi thấy trời mưa nhiều như thế khi thu hoạch. Thời tiết bất thường quá", ông Trần Công Đăng, 50 tuổi, ở tỉnh Bạc Liêu, cho biết.

"Chỉ trong 10 ngày, tổng lượng mưa đo được có phần bằng với cả tháng trước", ông Đăng, người ước tính thiệt hại 70% sản lượng trên ruộng lúa 2ha của mình do lũ lụt, nói thêm.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc - nước tiêu thụ và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã bị thiệt hại về năng suất do nắng nóng khắc nghiệt ở các khu vực trồng ngũ cốc. Quốc gia này dự kiến ​​sẽ nâng nhập khẩu lên mức kỷ lục 6 triệu tấn vào giai đoạn 2022 - 2023.

Trung Quốc đã nhập khẩu 5,9 triệu tấn gạo năm 2021.

Nhà tiêu thụ gạo lớn thứ ba thế giới, Bangladesh, cũng dự kiến ​​sẽ nhập khẩu nhiều gạo hơn sau thiệt hại do lũ lụt tại các khu vực sản xuất chính, các thương nhân cho biết.

Theo các nhà phân tích, các cơ quan chính phủ thường chỉ công bố dữ liệu sản lượng vào cuối năm, nên họ vẫn chưa ước tính được toàn bộ mức độ thiếu hụt ở các quốc gia khác ngoài Ấn Độ.

Tuy nhiên, tác động của thời tiết khiến mùa màng không thuận lợi là có thể nhìn thấy, khi giá xuất khẩu gạo từ Ấn Độ và Thái Lan đã tăng nhẹ trong tuần này.

 Bữa cơm đầu tiên người Việt cho tôi bằng cả trăm cả ngàn tấn gạo hôm nayThủ tướng Hun Sen: Bữa cơm đầu tiên người Việt cho tôi bằng cả trăm cả ngàn tấn gạo hôm nay

TTO - Các câu chuyện về sự gian khổ trong những ngày đầu tìm đường cứu nước và sự giúp đỡ của Việt Nam đã được Thủ tướng Hun Sen ôn lại trong các cuộc gặp với lãnh đạo, nhân dân Việt Nam sáng 20-6.

Nguồn bài viết